ClockThứ Tư, 29/05/2019 14:58

Singapore trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới

TTH.VN - Singapore là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới trong bảng xếp hạng thường niên đánh giá 63 nền kinh tế, vừa được nhóm nghiên cứu IMD World Competitiveness Centre có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố ngày hôm nay (29/5).

Singapore là thành phố đổi mới sáng tạo thứ 3 toàn cầuSingapore: Dịch vụ kỹ thuật số, xây dựng sẽ hỗ trợ nền kinh tếKinh tế tri thức - Lợi thế cạnh tranh trong thời đại mới

Singapore là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới. Ảnh: The Edge Singapore

Báo cáo cho biết, đây là lần đầu tiên Singapore trở lại với vị trí hàng đầu kể từ năm 2010, nhờ vào cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, sự sẵn có của lực lượng lao động lành nghề, luật nhập cư thuận lợi, cũng như điều kiện thuận lợi để thành lập doanh nghiệp mới.

Trong số 4 hạng mục quan trọng được đánh giá, Singapore lọt vào top 5 của 3 trong số các hạng mục này, bao gồm hiệu quả kinh tế (thứ 5), hiệu quả của Chính phủ (thứ 3) và hiệu quả kinh doanh (thứ 5). Đối với hạng mục cơ sở hạ tầng, Singapore được xếp hạng thứ 6.

Bên cạnh đó, Hồng Kông giữ vị trí thứ 2, là nền kinh tế châu Á duy nhất khác nằm trong top 10 của bảng xếp hạng, nhờ môi trường chính sách thuế và kinh doanh, cũng như sự tiếp cận với tài chính doanh nghiệp.

Mỹ, nền kinh tế đứng ở vị trí dẫn đầu hồi năm ngoái, đã trượt xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng năm nay. Các nhà nghiên cứu nhận định, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu cao hơn, xuất khẩu công nghệ cao yếu hơn và biến động về giá trị của đồng đô la Mỹ.

Nằm trong top 5 của bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh là Thụy Sĩ và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Thụy Sĩ tăng 1 bậc xếp hạng lên vị trí thứ 4 nhờ tăng trưởng kinh tế, sự ổn định tiền tệ và cơ sở hạ tầng chất lượng cao; trong khi đó, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tăng 2 bậc xếp hạng lên vị trí thứ 5 nhờ hiệu suất mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh doanh và hiệu quả của Chính phủ.

Các nền kinh tế châu Á thể hiện tốt

Trong bảng xếp hạng của 63 quốc gia năm nay, các nền kinh tế châu Á “nổi lên như một đèn báo hiệu đối với khả năng cạnh tranh”, với 11 trong số 14 nền kinh tế hoặc đang tiến lên trong bảng xếp hạng, hoặc giữ vững vị trí của mình, báo cáo của nhóm nghiên cứu IMD World Competitiveness Centre cho hay.

Cụ thể, Indonesia (vị trí thứ 32) tăng vọt đến 11 bậc, đánh dấu sự gia tăng lớn nhất trong khu vực, nhờ hiệu quả tăng trong lĩnh vực Chính phủ, cũng như điều kiện kinh doanh và cơ sở hạ tầng tốt hơn.

Thái Lan (vị trí thứ 25) tiến lên 5 bậc, được thúc đẩy bởi sự gia tăng trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và năng suất.

Trong số những nền kinh tế còn lại, Đài Loan (vị trí thứ 16), Ấn Độ (vị trí thứ 43) và Philippines (vị trí thứ 46) là những nền kinh tế ghi nhận sự cải thiện; trong khi đó, Trung Quốc (vị trí thứ 14) và Hàn Quốc (vị trí thứ 28) trượt xuống 1 bậc xếp hạng.

Đáng chú ý, nền kinh tế kém hiệu quả nhất là Nhật Bản (vị trí thứ 30), đã giảm đến 5 bậc bởi nền kinh tế trì trệ, nợ Chính phủ và môi trường kinh doanh suy yếu.

Mặt khác, khả năng cạnh tranh ở khu vực châu Âu, ngoại trừ Thụy Sĩ và Ireland, đã gây ấn tượng trong bối cảnh bất ổn kinh tế.

Ngoài ra, các quốc gia Bắc Âu, theo truyền thống là một khu vực mạnh mẽ đối với năng lực cạnh tranh, lại không đạt được tiến bộ đáng kể trong năm nay, báo cáo nói thêm.

Sự không chắc chắn đang tiếp diễn đối với việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit cũng khiến ​​Vương quốc Anh tụt 3 bậc, xuống vị trí thứ 23; trong khi Bồ Đào Nha ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong khu vực, với việc giảm 6 bậc xuống vị trí thứ 39.

Lê Thảo (Lược dịch từ CNA)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Singapore: Sản xuất phục hồi, kinh tế quý III/2024 tăng trưởng cao hơn dự kiến

Ước tính sơ bộ từ Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore vào sáng 14/10 cho biết, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,1% trong quý III/2024 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo 3,8% được đưa ra trước đó. Mức tăng trưởng này cũng nhanh hơn nhiều so với mức tăng 2,9% của quý II.

Singapore Sản xuất phục hồi, kinh tế quý III 2024 tăng trưởng cao hơn dự kiến
Singapore tích cực chuẩn bị cho Lễ hội Cửu Hoàng

Được công nhận là một phần di sản văn hóa phi vật thể của Singapore, Lễ hội Cửu Hoàng là một lễ hội truyền thống của Đạo giáo được tổ chức ở đền Leong Nam, với các nghi lễ phức tạp và lễ hội sôi động, cần được chuẩn bị suốt nhiều tuần.

Singapore tích cực chuẩn bị cho Lễ hội Cửu Hoàng
Return to top