Nhiều phụ nữ, thậm chí đang trong thai kỳ, đang lạm dụng các thuốc giảm đau. Ảnh: Michiganradio
Bài báo phân tích và tổng hợp ba nghiên cứu riêng lẻ trên loài chuột và đáng ngạc nhiên cả 3 đều kết luận có sự thay đổi trong hệ sinh dục của chuột cái con khi chuột mẹ được cho sử dụng paracetamol trong thời kỳ mang thai, và sự thay đổi nảy có thể dẫn đến sự suy giảm khả năng sinh sản chuột cái con khi nó đến giai đoạn trưởng thành.
Paracetamol, hoặc acetaminophen, là một loại thuốc giảm đau không cần bác sĩ kê đơn thường được phụ nữ mang thai trên toàn thế giới sử dụng. Các nghiên cứu gần đây đã liên kết việc sử dụng paracetamol trong thai kỳ với sự rối loạn trong quá trình phát triển hệ sinh dục ở nam giới, nhưng những tác động đối với nữ giới chưa được điều tra. Trong bài báo này, Tiến sĩ David Kristensen và các đồng nghiệp từ Bệnh viện Đại học Copenhagen, Đan Mạch tổng kết những phát hiện từ ba nghiên cứu riêng lẻ trên loài chuột để đánh giá hệ quả của việc sử dụng paracetamol trong thai kỳ đối với sự phát triển hệ sinh dục ở chuột cái con.
Nhiều người biết rằng việc tiếp xúc với một số chất hoá học trong thời kỳ mang thai có thể gây ra các hiệu ứng trong quá trình phát triển của trẻ được sinh ra mà có thể những hệ quả đó sẽ chỉ biểu hiện ở các giai đoạn sau của cuộc đời. Ở loài gặm nhấm và người, con cái được sinh ra với số lượng trứng hữu hạn trong người để phục vụ cho việc sinh sản trong tương lai. Trong những nghiên cứu được phân tích này, các con chuột được cho dùng paracetamol trong thời kỳ mang thai, với liều lượng tương đương với những phụ nữ mang thai dùng đủ để giảm đau, đã sinh ra những con chuột cái có ít trứng hơn. Điều này có nghĩa là ở tuổi trưởng thành, chúng có ít trứng hơn để thụ tinh, do đó sẽ làm giảm tỷ lệ sinh sản thành công, đặc biệt là khi chúng lớn lên.
Tiến sĩ Kristensen nhận định: "Mặc dù đây không phải là sự suy giảm nghiêm trọng về khả năng sinh sản, nhưng vẫn có mối quan ngại thực sự vì dữ liệu từ ba phòng thí nghiệm khác nhau đều phát hiện rằng paracetamol có thể làm rối loạn sự phát triển hệ thống sinh sản của nữ giới theo cách này, và do đó cần thiết phải nghiên cứu thêm điều đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con người như thế nào. "
Mặc dù có sự tương đồng giữa quá trình phát triển hệ sinh sản của loài chuột và chúng ta, nhưng những phát hiện này vẫn chưa được xác định chắc chắn sẽ xảy ra ở người. Việc thiết lập mối liên hệ giữa việc sử dụng paracetamol của các bà mẹ trong thời gian mang thai và các vấn đề về khả năng sinh sản trong giai đoạn sau của cuộc đời bé gái sẽ rất khó khăn.
Tiến sĩ Kristensen khuyến cáo nên áp dụng cách tiếp cận liên ngành để giải quyết vấn đề này, "bằng cách kết hợp dữ liệu dịch tễ học từ nghiên cứu của con người với nhiều nghiên cứu thí nghiệm về các mô hình, như loài gặm nhấm, có thể xác lập mối liên kết này một cách vững chắc và xác định nó xảy ra như thế nào, để phụ nữ mang thai khi đau có thể được điều trị thành công và an toàn, mà không đưa lại nguy cơ nào cho đứa con sắp sinh của họ."
"Với tư cách là các nhà khoa học, chúng tôi chưa thể đưa ra bất cứ lời khuyên về y khoa nào mà sẽ khuyến cáo phụ nữ mang thai khi có cơn đau cần tham khảo ý kiến chuyên môn của các bác sĩ, bà đỡ hoặc dược sĩ.”, tiến sĩ Kristensen cho hay.
Thế Vĩnh (lược dịch từ Medical Xpress)