Một mùa hè với nhiệt độ cao kỷ lục tại châu Âu. Nguồn: DW
Các nhà khoa học cũng cảnh báo về tác động gây mất ổn định của khí thải carbon đối với khí hậu Trái đất.
NOAA cho biết tháng 6 năm 2019 là tháng 6 nóng nhất trong lịch sử gần 140 năm qua và xác nhận rằng nhiệt độ trung bình của châu Âu năm nay nóng hơn 2 độ C so với mọi năm.
Đức cũng ghi nhận ngày nóng nhất của nước này là vào tháng 6 với 38,9 độ C (102 độ F), được đo tại bang Rheland-Palatinate - miền tây nước này. Các khu vực khác trên toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng kỷ lục.
“Nhiệt độ cao đáng kể so với mức trung bình đã xuất hiện ở Trung Âu và Đông Âu, miền bắc và miền trung nước Nga, đông bắc Canada và các vùng phía nam của Nam Mỹ, những nơi có nhiệt độ tăng 3,6 độ F (2 độ C) trên mức trung bình của giai đoạn 1981-2010 hoặc cao hơn”, theo NOAA.
Các nhà khoa học đã chỉ ra trong báo cáo của NOAA rằng đây chính là bằng chứng khẳng định khí thải toàn cầu đang tác động đáng kể đến khí hậu của Trái đất.
“Với một nửa năm 2019 đã qua, chúng ta có thể nhận thấy rằng năm nay sẽ trở thành năm có nhiệt độ nóng thứ hai kể từ khi hoạt động quan sát bằng máy móc được triển khai trên phạm vi toàn cầu”, Robert Rohde, nhà khoa học hàng đầu tại tổ chức Berkeley Earth đặt trụ sở ở California cho biết.
Các nhà khoa học mô tả sự mất ổn định của hệ thống khí hậu Trái đất là một cuộc khủng hoảng, đòi hỏi cần phải có những quyết định hành động dứt khoát. Các báo cáo cho thấy rằng, bất chấp những nỗ lực toàn cầu để hạn chế khí thải và chống biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu sẽ đạt ngưỡng 2 độ C vào năm 2050.
Các nhà hoạt động ở Đức và trên khắp châu Âu đã yêu cầu các chính phủ có chính sách tiến bộ hơn để trở thành carbon trung tính trong tương lai gần. Tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cam kết tạo ra hành lang pháp lý để biến châu Âu thành “lục địa có khí hậu trung tính đầu tiên trên thế giới vào năm 2050”.
Anh Tuấn (Lược dịch từ DW)