ClockThứ Năm, 22/08/2019 14:42

Thủ tướng Anh thăm Đức và Pháp: Sứ mệnh thuyết phục EU liệu có thành?

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm nay (22/8) có mặt Paris để gặp Tổng thống Pháp Macron và bàn bạc về thỏa thuận Brexit.

Thủ tướng Anh gặp mặt lãnh đạo châu Âu bàn về thỏa thuận BrexitAnh đối mặt nhiều khó khăn nếu Brexit không thỏa thuận

Đây là cuộc làm việc thứ hai của thủ tướng Anh với các nhà lãnh đạo hàng đầu của EU trong tuần này nhằm tháo gỡ bế tắc cho thỏa thuận Brexit trước thời điểm Anh rời khỏi khối vào cuối tháng 10/2019. Hôm qua (21/8), ông Johnson đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Đức Merkel tại Berlin với hy vọng Đức – đầu tàu của EU sẽ nhượng bộ với điều khoản “chốt chặn” trong thỏa thuận Brexit.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Daily Express.

EU bày tỏ quan điểm cứng rắn

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thực hiện chuyến công du châu Âu đầu tiên trên cương vị mới và đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin. Nội dung chính đương nhiên là về Brexit và tại Berlin, ông Boris Johnson tiếp tục nhắc lại yêu cầu của Anh rằng điều khoản backstop phải được gỡ bỏ hoàn toàn khỏi bản thoả thuận Brexit và nếu EU chấp nhận nhượng bộ, nước Anh sẽ làm mọi cách để đạt được một thoả thuận mới trước ngày 31/10/2019. Nếu không, Anh sẽ rời EU mà không có thoả thuận. Từ phía ông Boris Johnson thì quan điểm này hoàn toàn không có gì mới bởi từ khi lên làm Thủ tướng Anh thì ông Boris Johnson luôn coi việc huỷ bỏ điều khoản backstop là điều kiện tiên quyết để đàm phán với EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã trả lời rất rõ ràng, rằng EU không có bất cứ ý định nào về việc đàm phán lại bản thoả thuận Brexit mà EU đã đạt được với chính phủ của cựu Thủ tướng Anh Theresa May hồi tháng 11/2018. Tuy nhiên, bà Merkel cũng đã có một số phát biểu theo hướng nhân nhượng, rằng nước Đức sẵn sàng làm việc với phía Anh để tìm một “giải pháp thiết thực” cho vấn đề biên giới Bắc Ireland. Bà Merkel đưa ra đề xuất, dù chưa chính thức, rằng nước Anh có thể có 30 ngày để lên một phương án thay thế cho điều khoản backstop và khi đó EU sẽ bàn thảo lại. Nói cách khác, phía Đức tuy vẫn coi điều khoản backstop là không thể thiếu nhưng đã chấp nhận một cách tiếp cận linh hoạt hơn, tức là có thể thực thi backstop theo một cách khác đỡ khiến Vương quốc Anh khó xử hơn.

Phương án đó cụ thể là gì thì chưa rõ, vì còn phụ thuộc vào việc là phía Anh có thực tâm muốn tìm một giải pháp thay thế backstop hay không hay chỉ là chiến thuật kéo dài thời gian và gây sức ép tối đa để chuẩn bị cho kịch bản rời EU mà không có thoả thuận. 

Dư luận Châu Âu

Hiện nay, khi thời hạn 31/10/2019 đang ngày càng đến gần, đa số giới quan sát ở châu Âu đang nghiêng về kịch bản rằng nước Anh thực sự sẽ rời EU vào ngày 31/10 mà không có thoả thuận Brexit. Trước hết, đó là vì Brexit không thoả thuận là ưu tiên rõ ràng của chính phủ mới tại Anh. Thứ hai, quan trọng hơn, là với việc cả phía Anh lẫn EU đều kiên quyết giữ các quan điểm cứng rắn như hiện nay, rất khó cho hai bên có thể tìm được sự nhượng bộ. Đối với châu Âu, việc mở lại các đàm phán Brexit là bất khả thi bởi lẽ việc đàm phán đã kéo dài hơn 2 năm, vô cùng phức tạp và khó khăn nên không thể hy vọng sẽ chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng mà có thể có một thoả thuận Brexit mới. 

Hơn nữa, nếu EU nhượng bộ Anh thì đó sẽ là tiền lệ rất xấu và có thể để lại các hậu quả khó lường về sau, khiến khối này đánh mất uy tín và khả năng răn đe các thành viên nổi loạn khác trong tương lai. Vì thế, khả năng EU nhượng bộ trước sức ép từ Anh là rất nhỏ, đặc biệt khi một số nước lớn trong EU như Pháp hay Tây Ban Nha luôn có thái độ cứng rắn với Anh và không muốn Brexit kéo dài thêm.

Bản thân đa số giới phân tích chính trị tại Anh cũng không tin là ông Boris Johnson có thể khiến EU lùi bước bằng đe doạ rời EU không thoả thuận. Điều duy nhất khiến EU có thể quan ngại, đó là một Brexit quá tàn khốc có thể sẽ làm tổn hại lâu dài đến mối quan hệ chiến lược giữa EU và Anh trong tương lai, bởi xét cho cùng, Anh vẫn là một quốc gia châu Âu với tiềm lực kinh tế, quân sự hàng đầu và có vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh châu Âu.

Tuy nhiên, đây là một chiến cân não và cân đo lợi ích giữa các bên và hậu quả của Brexit không thoả thuận sẽ tác động đầu tiên và lớn nhất là đến nền kinh tế của Vương quốc Anh chứ không phải châu Âu.

EU đã chuẩn bị những gì cho kịch bản Brexit?

Brexit cứng là điều mà cả EU lẫn Anh đều không mong muốn, dù nhiều thành phần trong đội ngũ lãnh đạo Anh hiện nay có lẽ thực sự muốn Anh rời bỏ hoàn toàn khỏi EU. Để chuẩn bị cho kịch bản Brexit cứng thì từ 1 năm qua, Uỷ ban châu Âu cũng như chính phủ từng nước thành viên EU đều đã có sự chuẩn bị. Brexit không thoả thuận sẽ tạo ra một khoảng trống pháp lý rất lớn trong tất cả các lĩnh vực, từ giao thông, y tế cho đến kiểm dịch thực phẩm… nên để đối phó với khoảng trống này, EU đã chuẩn bị sẵn các quy định tạm thời, được gọi là thoả thuận bên lề (side deals) theo đó trong thời gian nước Anh rời EU mà không có thoả thuận thì việc vận hành các trao đổi giữa EU và Anh sẽ vẫn hoạt động. Các quy định này sẽ chỉ có tính chất giới hạn, dù phía chính phủ của ông Boris Johnson từng tuyên bố với cử tri Anh rằng nước Anh hoàn toàn có thể ứng phó tốt với Brexit không thoả thuận bằng các quy định bên lề này.

Từng quốc gia thành viên EU cũng đã có sự chuẩn bị riêng. Như nước Đức thì đã cho ban hành trên 50 luật và quy định nhằm đối phó với Brexit không thoả thuận, trong đó chủ yếu là các điều luật liên quan đến số phận công dân Anh sinh sống tại Đức cũng như các đảm bảo cho công dân Đức sinh sống tại Anh. Với Pháp, nước có đường hầm qua eo biển Manche nối với Anh thì chính quyền Pháp đã tuyển thêm nhân viên hải quan, nhân viên kiểm dịch y tế và thực phẩm… nhằm chuẩn bị cho nguy cơ tắc nghẽn hàng hoá ở cửa khẩu Calais bên đất Pháp. Pháp cũng đã ra các thông báo và hướng dẫn riêng cho công dân Anh sinh sống tại Pháp cũng như công dân Pháp tại Anh nhằm giúp các công dân này tránh rơi vào tình trạng cư trú bất hợp pháp khi Brexit không thoả thuận diễn ra./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông sản Việt trước yêu cầu của thị trường EU

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các mặt hàng cà-phê, gỗ và cao su của Việt Nam với kim ngạch hằng năm đạt gần 3 tỷ USD. Đây cũng là các mặt hàng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Quy định chống phá rừng (EUDR) sắp có hiệu lực thi hành. Quy định này sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt.

Nông sản Việt trước yêu cầu của thị trường EU
EU tăng cường nỗ lực chống lại thông tin sai lệch trực tuyến

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đang diễn ra trên khắp Liên minh châu Âu (EU), các quan chức cấp cao của khối cho biết việc thao túng thông tin và phát tán nội dung lừa đảo trực tuyến có thể gây ra các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và từ đó, kêu gọi bảo vệ quá trình bầu cử.

EU tăng cường nỗ lực chống lại thông tin sai lệch trực tuyến
Return to top