Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân vẫy chào phái đoàn đón tiếp tại sân bay quân sự Palam, New Delhi, chiều 24-1 - Ảnh: REUTERS
Theo đặc phái viên TTXVN, đầu giờ chiều 24-1 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân dẫn đầu Đoàn Cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quân sự Palam, New Delhi, bắt đầu chương trình dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ.
Đón Thủ tướng và Phu nhân tại sân bay, về phía Ấn Độ, có Bộ trưởng Bộ Nguồn nước và nguồn nhân lực, Tư lệnh Không quân Palam, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish; lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành và Phu nhân; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Theo chương trình dự kiến, hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, thăm và nói chuyện với các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Trong ngày mai (25-1), Thủ tướng dự phiên họp hẹp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ; dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ; dự lễ phát hành Tem kỷ niệm cấp cao ASEAN-Ấn Độ; tham quan triển lãm 20 bức tranh về ASEAN-Ấn Độ...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ có một loạt cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước tham dự hội nghị, lãnh đạo các tập đoàn lớn của thế giới và châu Á.
Trả lời phỏng vấn của tờ Times of India của Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ dựa trên những giá trị lâu dài vốn được tạo ra nhờ sự tương tác giữa các nền văn hóa và truyền thống.
Trong 25 năm hợp tác, ASEAN và Ấn Độ đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị truyền thống nhằm nuôi dưỡng nền tảng vững chắc để xây dựng mối quan hệ chính trị đáng tin cậy, mở đường cho sự hợp tác hiệu quả, toàn diện giữa hai bên vì hoà bình và thịnh vượng chung.
Thủ tướng nhấn mạnh Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần này được tổ chức tại New Delhi là một cột mốc lịch sử thể hiện mối quan hệ tuyệt vời giữa hai bên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định với nền tảng vững chắc và to lớn này, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ phải nỗ lực đưa quan hệ đối tác chiến lược lên tầm cao mới.
Để đạt được mục tiêu, hai bên trước hết cần xác định hợp tác thương mại và đầu tư là động lực chính thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, và tận dụng hết khả năng của hai khu vực kinh tế năng động nhất, với tổng dân số 1,85 tỉ người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3.800 tỉ USD trong năm ngoái, cũng như thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại và đầu tư để phát huy tiềm năng của hai bên.
Về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2017 đã ghi nhận một số bước tiến mới trong quá trình xây dựng COC, bao gồm việc ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung COC và tuyên bố khởi động tiến trình đàm phán COC.
Đây là những dấu hiệu tích cực và khả quan, và tất cả các bên cần duy trì bầu không khí này cả trong quá trình đàm phán. Cụ thể, các bên cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thực thi những biện pháp nhằm xây dựng lòng tin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời nhấn mạnh việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và an toàn bay trên các đại dương nói chung và trong khu vực nói riêng là một mục tiêu và sứ mệnh chung của tất cả các nước.
Để đạt được mục tiêu này, tất cả các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các quy trình liên quan. Theo Thủ tướng, do tình hình khu vực đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp và tình trạng quân sự hóa có xu hướng gia tăng, việc đạt được COC mang tính ràng buộc hợp pháp sẽ là một đóng góp quan trọng cho hòa bình và ổn định trong khu vực nói chung và đặc biệt là ở Biển Đông nói riêng.
Theo Tuổi trẻ Online