ClockThứ Ba, 18/09/2018 14:41

Thượng đỉnh liên Triều: Khi Moon Jae-in kẹt giữa Mỹ và Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã trở thành người trung gian giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và đang dẫn dắt những nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Triều Tiên giải giáp hạt nhân.

Hàn Quốc: Dự báo GDP suy giảm do cuộc chiến thương mại Mỹ-TrungMỹ và Hàn Quốc thảo luận về nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều TiênQuốc tế kỳ vọng vai trò hòa giải của Hàn Quốc trong quan hệ Mỹ- TriềuNhật - Mỹ - Hàn cam kết hợp tác nhằm phi hạt nhân hoá Bắc Triều TiênSau Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump muốn hàn gắn quan hệ với Nga?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau hồi tháng 4. Ảnh: AFP
Chuyến thăm của ông Moon Jae-in đến Bình Nhưỡng hôm nay (18/9), cũng là cuộc gặp thứ ba của ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un kể từ tháng 4 đến nay có thể là thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Hàn Quốc trên vai trò đó bởi ông phải đạt được tiến bộ thực sự trong việc thuyết phục Triều Tiên có những bước tiến nhằm phi hạt nhân hóa một cách thực chất.

Nếu không, sự “náo nhiệt” của các cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều cũng như bầu không khí “thăng hoa” của Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua sẽ chỉ dừng lại ở những bức ảnh hào nhoáng, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump thì có thể bắt đầu mất kiên nhẫn với vấn đề này.

Đối với cá nhân Tổng thống Moon Jae-in, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ở trong nước đang giảm vì nhiều vấn đề khác, ông cần phải thành công trong cuộc gặp Thượng đỉnh này, nhưng Tổng thống Hàn Quốc sẽ phải vượt qua rất nhiều chướng ngại vật lớn đang chờ ông ở Bình Nhưỡng.

Khiến Triều Tiên dễ thuyết phục hơn

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố hồi tháng 6 sau khi gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng không còn mối đe dọa hạt nhân nào từ Triều Tiên nữa. Nhưng nhiều người tin rằng Triều Tiên không có ý định từ bỏ thứ mà Bình Nhưỡng từng ca ngợi là “thanh gươm báu” của nước này. Bởi khi đã dành ra hàng chục năm để phát triển vũ khí hạt nhân thì tại sao lại dễ dàng giải giáp đến thế?

Cam kết duy nhất mà ông Kim Jong-un đưa ra đến giờ phút này là một lời hứa mơ hồ về việc “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”, không thêm một chi tiết nào. Đó là điều mà Tổng thống Hàn Quốc cần phải thay đổi.

“Tôi nghĩ điều cực kỳ quan trọng là Triều Tiên cần phải đưa ra một sự nhượng bộ đáng kể nào đó mang tính biểu tượng và cả thực chất trong tuần này để có thể khiến dư luận Hàn Quốc tiếp tục quan tâm tới vấn đề này” – chuyên gia viện nghiên cứu châu Á Griffith, Andray Abrahamian.

Chuyên gia này chỉ ra rằng, “trao cho ông Moon Jae-in một chiến thắng sẽ củng cố vị thế của ông ở trong nước nhưng lại đặt áp lực lên phía Mỹ về việc phải tiếp tục tiến lên phía trước”.

“Theo nhận thức thực tế, chúng ta có thể thấy 2 miền Triều Tiên hợp tác để thúc đẩy Mỹ tiến tới trong quá trình này” – ông Andray Abrahamian nhận định.

Các quan chức Hàn Quốc từng gặp và trao đổi với ông Kim Jong-un hồi đầu tháng này cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy thất vọng vì cộng đồng quốc tế không xem lời hứa phi hạt nhân hóa của ông một cách nghiêm túc.

Nếu ông Kim Jong-un nghiêm túc thì cuộc gặp Thượng đỉnh lần này là một thời điểm tốt để biến lời hứa đó thành văn bản cam kết bởi nhiều người sợ rằng ông Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bị thao túng và ông Kim Jong-un chỉ đang “câu giờ”.

“Nếu họ định 'chơi' ông Trump, chúng ta sẽ chứng kiến cả thế giới bị tổn hại bởi vì ông ấy [Trump] sẽ không còn phương án nào. Đây là cơ hội cuối tốt nhất cho hòa bình” – Thượng nghị sỹ bang Nam Carolina của Mỹ, ông Lindsey Graham chia sẻ trên kênh CBS cuối tuần trước.

Níu chân ông Trump ở lại bàn đàm phán

Nhà Trắng chỉ ra rằng các vụ thử tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên cũng đã diễn ra 10 tháng trước, cho rằng bản thân điều đó cũng đã là một tín hiệu đáng khích lệ. Tuy nhiên, những hình ảnh vệ tinh dường như cho thấy Triều Tiên vẫn tiếp tục tìm cách phát triển kho vũ khí của nước này.

Ở bên ngoài, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục những lời ca ngợi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Sau cuộc diễu binh của Triều Tiên ngày 9/9 vừa qua, ông Trump đã cảm ơn ông Kim Jong-un vì đã không trưng ra bất cứ quả tên lửa đạn đạo nào, và rằng cả hai sẽ chứng minh mọi người đều đã sai về tiến trình phi hạt nhân hóa.

Nhưng ở bên trong, rất nhiều thành viên chính quyền của ông Trump được cho là đang nghi ngờ thiện chí giải giáp của Triều Tiên. Sự chia rẽ đó đã được lưu ý ở Bình Nhưỡng.

Andray Abrahamian tin rằng ông Kim Jong-un đang tìm cách “qua mặt những người gác cổng” quanh ông Trump và đó là nơi xuất phát của mọi nguy cơ.

“Washington hiện giờ là một nơi bất ổn về mặt chính trị và Bình Nhưỡng không tin vào việc sẽ tiếp tục có liên kết quyền lực trong vài tháng tới. Và đó là một lý do khác vì sao điều quan trọng đối với họ là phải sớm tìm một sự đột phá hơn là muộn” - Andray Abrahamian chỉ rõ.

Tổng thống Moon Jae-in cần phải giữ cho cả 2 bên Mỹ và Triều Tiên tiếp tục đối thoại và điều đó đòi hỏi ông phải đi đến tận ngọn nguồn của vấn đề. Sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Bình Nhưỡng, ông Moon Jae-in sẽ bay sang Mỹ dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và trao đổi với ông Trump.

Đâu là nơi bắt đầu?

Bình Nhưỡng và Washington đang bắt đầu đàm phán ở những vị thế rất khác nhau. Đó là lý do vì sao đối thoại giữa 2 bên lâm vào bế tắc.

Triều Tiên muốn tuyên bố chấm dứt chiến tranh liên Triều trước. Hàn Quốc cũng vậy. Cuộc chiến đó về mặt lý thuyết mới chỉ tạm ngừng nhờ Hiệp định đình chiến năm 1953 mà chưa có Hiệp định hòa bình. Tại cuộc Thượng đỉnh hồi tháng 4, lãnh đạo 2 nước đã ký cam kết nỗ lực chấm dứt chiến tranh cuối năm nay.

Nhưng Mỹ lại không đồng tình với việc đó.

Washington muốn Triều Tiên giải giáp trước khi khởi động đàm phán hiệp định hòa bình. Và cũng có những lo ngại từ Mỹ rằng việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh liên Triều sẽ cho Triều Tiên cơ sở để kêu gọi Mỹ rút 28.500 binh sỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc về nước.

Tổng thống Hàn Quốc tỏ ra vô cùng thận trọng trong vấn đề này khi không chỉ trích chính quyền của Tổng thống Trump mà kêu gọi cả 2 bên cùng có bước tiến tích cực.

“Có nhiều cách để soạn một tuyên bố đơn thuần mang tính hình thức mà không ảnh hưởng tới quân đội Mỹ hay lợi ích của nước này ở đây” – nhà phân tích thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), ông Duyeon Kim nhận định.

Theo ông, “có một cách là tuyên bố rằng tình trạng chiến tranh từ năm 1950 đã không còn tồn tại vào ngày nay nhưng hiệp định đình chiến và các chức năng chủ chốt của hiệp định đó vẫn nguyên vẹn”.

“Cách nói đó không đề cập chỉ huy của Liên Hợp Quốc và lính Mỹ về mặt pháp lý” - ông Duyeon Kim nêu rõ. “Về mặt pháp lý và lý thuyết, nó cũng không có nghĩa rằng mối đe dọa từ Triều Tiên đã biến mất hoặc xóa bỏ lý do Mỹ có hành động ngặn chặn ở khu vực”.

Câu hỏi chính ở đây là liệu Bình Nhưỡng có sẵn lòng đồng ý tuyên bố giữ nguyên hiệp định đình chiến hoặc một vài trong số các chức năng chính của văn bản đó hay không.

Nhưng chiến thắng mà ông Moon rất cần vào lúc này cũng không nhất thiết phải là vấn đề cốt lõi: phi hạt nhân hóa. Theo ông Andray Abrahamian , nó có thể chỉ là các biện pháp “xây dựng hòa bình và niềm tin”, ví dụ như là thành lập một trung tâm thường trực để đoàn tụ các gia đình bị li tán về chiến tranh hay rút các đơn vị pháo binh xung quanh khu công nghiệp chung Kaesong.

Nặng gánh tâm tư với Triều Tiên

Cha mẹ của Tổng thống Moon Jae-in đã chạy sang Hàn Quốc trong chiến tranh liên Triều. Ông là một trong số 100.000 ở khu sơ tán Hungnam, một trong nhưng trung tâm cứu trợ dân thường lớn nhất của quân đội Mỹ.

Tổng thống Moon Jae-in đã được sinh ra trong một trại tị nạn ở Geoje, ngày nay nằm trên lãnh thổ Hàn Quốc. Chị gái của mẹ ông đã không đặt được chân tới Hàn Quốc.

Năm 2004, chính ông Moon Jae-in, khi đó chỉ là thư ký cấp cao của Tống thống Hàn Quốc về các vấn đề dân sự và xã hội, đã đưa mẹ trở lại miền Bắc đoàn tụ với dì ông trong cuộc đoàn tụ các gia đình bị li tán thứ 10 giữa 2 miền.

“Moon Jae-in chắc chắn nặng gánh tâm tư muốn thực hiện ước nguyện của cha mẹ mình, đó là được chôn cất ở quê hương [ở Triều Tiên]” - Yang Hak-do, 85 tuổi, một người cùng di tản với cha mẹ của ông Moon chia sẻ. “Tôi tự hào rằng ông Moon đang cố gắng”.

Nhiều người tin rằng quá khứ của gia đình và những trải nghiệm cá nhân là điều có thể thôi thúc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vượt qua con đường hẹp đầy chông gai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un để đạt được hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng USD thắng thế khi bầu cử Tổng thống Mỹ tới gần

Chỉ số đồng USD đã tăng vào phiên cuối tuần 25/10, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp của chỉ số này nhờ các số liệu kinh tế giúp duy trì kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ổn định. Giới đầu tư hiện đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 10/2024 của Mỹ, dự kiến được công bố vào tuần tới.

Đồng USD thắng thế khi bầu cử Tổng thống Mỹ tới gần
Mở rộng hợp tác văn hóa giữa Huế và Gyeongju

Sáng 22/10, UBND TP. Huế tổ chức lễ tiếp xã giao đoàn Ủy ban văn hóa TP. Gyeongju (Hàn Quốc) do ông Park Gwang-ho, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa TP. Gyeongju làm trưởng đoàn. Chủ trì buổi tiếp có Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trương Đình Hạnh cùng đại diện các phòng, ban.

Mở rộng hợp tác văn hóa giữa Huế và Gyeongju
Return to top