Cho trẻ bú sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho cả bà mẹ và trẻ nhỏ. Ảnh: GMA
Trước thách thức quan trọng này, các khoản đầu tư lớn về quy hoạch và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe là điều cần thiết. Nhưng có lẽ cách hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là khuyến khích sự hấp thu từ 2 nguồn sẵn có: tiêm chủng cho mẹ và bú sữa mẹ.
Tiêm chủng cho mẹ
Bảo vệ trẻ em khỏi những trường hợp tử vong sớm bắt đầu từ trước khi các em được sinh ra. Khi một người phụ nữ được chủng ngừa các bệnh thông thường như cúm, cơ thể người mẹ sẽ tạo ra các kháng thể nhận biết virus và tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi mang thai, các protein bảo vệ này được truyền cho em bé qua nhau thai.
Đáng chú ý, nhiều lợi ích vẫn được duy trì sau sinh. Ví dụ, trong khi tiêm ngừa cúm không được chấp thuận cho trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ đã tiêm chủng được bảo vệ tốt hơn để chống lại căn bệnh này.
Việc chủng ngừa cúm cho người mẹ cũng giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi viêm phổi, nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở trẻ. Theo một phân tích năm 2018 được tiến hành ở Nepal, Mali và Nam Phi, trẻ sơ sinh có thể giảm nguy cơ bị viêm phổi hơn 20% nếu mẹ của các em được tiêm chủng.
Cho trẻ bú sữa mẹ
Cách thứ hai để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ là cho trẻ bú mẹ, được cho là có tác động lớn hơn. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho một em bé, cung cấp tất cả các protein, chất béo, vitamin, khoáng chất và các enzym mà cơ thể trẻ cần để phát triển khoẻ mạnh. Hơn hết, các bà mẹ tạo ra các kháng thể mới trong thời gian cho con bú thực tế, giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch.
Theo nghiên cứu, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ít có khả năng bị nhiễm trùng tai và viêm màng não, hoặc bị bệnh đường tiêu hóa và tiêu chảy. Những lợi thế này sẽ được duy trì miễn là em bé được bú sữa mẹ.
Các bà mẹ cũng được hưởng lợi từ việc cho con bú. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ đã cho con bú ít có nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, ung thư vú và tiểu đường loại 2.
Thật không may, tỷ lệ cho con bú thấp hơn mức mong muốn. Chỉ có 40% trẻ sơ sinh trên toàn thế giới được bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến ít nhất 6 tháng, như khuyến cáo của WHO. Lý do rất phức tạp, nhưng ở nhiều nước, thiếu giáo dục, cùng với sự tiếp thị tích cực của các nhà sản xuất sữa công thức, đã góp phần làm giảm tỷ lệ cho con bú.
Để đáp ứng các mục tiêu y tế do SDGs đặt ra, cộng đồng quốc tế cần tăng gấp đôi nỗ lực để khuyến khích thêm nhiều bà mẹ tiêm chủng và cho con bú sữa mẹ. Hai phương pháp này có thể giúp làm giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh hiệu quả hơn bất kỳ sáng kiến y tế toàn cầu nào khác.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ The ASEAN Post)