Thứ Năm, 22/08/2019 16:58
(GMT+7)
WHO: Ô nhiễm hạt vi nhựa có ở khắp mọi nơi
TTH.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay kêu gọi cần tiến hành thêm các đánh giá về hạt vi nhựa (microplastic) trong môi trường và tác động tiềm tàng của chúng đối với sức khỏe con người, sau khi công bố phân tích về một nghiên cứu vừa được tiến hành liên quan đến hạt vi nhựa trong nước uống. Qua đó, WHO cũng kêu gọi giảm ô nhiễm nhựa để bảo vệ môi trường và giảm độ phơi nhiễm của con người.
Ô nhiễm nhựa đang là một vấn nạn toàn cầu. Ảnh: WHO
Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Phòng Y tế Công cộng, Yếu tố Môi trường và Xã hội của WHO cho rằng cần phải tìm hiểu nhiều hơn về tác động sức khỏe của hạt vi nhựa vì chúng có mặt ở khắp mọi nơi - kể cả trong nước uống của chúng ta. Dựa trên những thông tin hạn chế có được, hạt vi nhựa trong nước uống ở mức hiện tại dường như chưa gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên “chúng ta cần tìm hiểu thêm. Chúng ta cũng cần ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới”, bà Maria nhấn mạnh.
Theo phân tích, tóm tắt những kiến thức mới nhất về hạt vi nhựa trong nước uống, hạt vi nhựa lớn hơn 150 micromet không có khả năng được hấp thụ trong cơ thể con người và việc hấp thu các hạt nhỏ hơn dự kiến sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, sự hấp thụ và phân phối các hạt vi nhựa rất nhỏ trong phạm vi kích thước nano có thể cao hơn, mặc dù dữ liệu về điều này còn rất hạn chế. Do đó, cần phải có những nghiên cứu sâu để có được một đánh giá chính xác hơn về việc tiếp xúc với hạt vi nhựa và các tác động tiềm ẩn của chúng đối với sức khỏe con người.
Ô nhiễm nguồn nước cướp đi 1 triệu sinh mạng mỗi năm
Ông Bruce Gordon thuộc Sở Y tế Công cộng WHO nhấn mạnh rằng nguồn nước là một vấn đề ảnh hưởng đến 2 tỷ người và cướp đi 1 triệu sinh mạng mỗi năm. Theo ông, một trong những cách mà các chính phủ có thể áp dụng để giải quyết vấn đề này là đưa vào sử dụng các hệ thống lọc nước thải tốt hơn.
WHO cũng khuyến cáo các nhà cung cấp và cơ quan quản lý nước uống nên ưu tiên loại bỏ các vi khuẩn mang mầm bệnh và hóa chất có nguy cơ đối với sức khỏe con người, chẳng hạn như gây ra bệnh tiêu chảy chết người. Điều này có một lợi thế kép: hệ thống xử lý nước thải và nước uống xử lý hàm lượng phân và hóa chất cũng có hiệu quả trong việc loại bỏ vi chất.
Xử lý nước thải có thể loại bỏ hơn 90% hạt vi nhựa khỏi nước thải, trong khi xử lý nước uống thông thường có thể loại bỏ các hạt nhỏ hơn micromet. Một tỷ lệ đáng kể dân số toàn cầu hiện không được hưởng lợi từ việc xử lý nước thải và tiếp cận nguồn nước đầy đủ. Bằng cách giải quyết vấn đề con người tiếp xúc với nước bị ô nhiễm, cộng đồng có thể đồng thời giải quyết mối quan tâm liên quan đến hạt vi nhựa.
BẢO NGHI (Lược dịch từ UN & WHO)