Thế giới

Trung Quốc đang cố trấn an thế giới

ClockThứ Ba, 08/09/2015 15:35
TTH.VN - Những lo lắng về triển vọng kinh tế Trung Quốc và những ảnh hưởng của nó tới kinh tế toàn cầu đã khiến Hội nghị G20 lần này chủ yếu tập trung vào những nỗ lực vực dậy nền kinh tế của Trung Quốc...


Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Lao động các nước G20, tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), tổ chức tại Thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) cuối tuần qua, Trung Quốc đã cố gắng trấn an các nền kinh tế khác về sự ổn định của đồng Nhân dân tệ (NDT), thị trường chứng khoán (TTCK), cũng như những cam kết cải cách.

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) Chu Tiểu Xuyên cho rằng, bong bóng chứng khoán Trung Quốc đã vỡ, quá trình điều chỉnh của TTCK Trung Quốc gần như đã kết thúc. Ông Chu cũng thừa nhận, trước tháng Sáu vừa qua, bong bóng chứng khoán Trung Quốc liên tục phình to. Từ đó đến nay, thị trường đã trải qua 3 đợt điều chỉnh lớn, nhưng chỉ có đợt điều chỉnh gần đây nhất, vào giữa tháng Tám, tác động đến thị trường toàn cầu. Những nỗ lực can thiệp của Chính phủ Trung Quốc đã ngăn chặn được rủi ro hệ thống và chấm dứt đà rơi tự do của TTCK, ông Chu nhấn mạnh.

Về vấn đề tỷ giá NDT, ông Chu cho rằng, hiện tại, tỷ giá NDT so với USD bắt đầu ổn định, quá trình điều chỉnh của thị trường gần như đã hoàn tất và các thị trường tài chính đang cho thấy kỳ vọng ổn định”. Người đứng đầu PBoC cũng cho biết, Trung Quốc cam kết thực hiện các cải cách kinh tế bất chấp những biến động gần đây trên thị trường tài chính.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei cũng nhấn mạnh, Bắc Kinh không quá lo ngại về những biến động trong ngắn hạn, do đó sẽ thực hiện đúng các kế hoạch cải cách. Chính phủ Trung Quốc vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% trong năm nay.

Những bình luận mang tính chất trấn an thị trường này của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có xu hướng chậm lại, hoạt động xuất khẩu và sản xuất đồng loạt suy giảm mạnh. Bởi vậy, những nhận định tự tin của giới chức Trung Quốc về TTCK và NDT chưa nhận được sự tin tưởng của giới chuyên gia. Họ cho rằng, tất cả sẽ được kiểm chứng trong những tuần lễ sắp tới, khi Trung Quốc công bố một loạt số liệu kinh tế không như mong đợi, chứng tỏ nền kinh tế Trung Quốc vẫn trên đà giảm tốc. Dự báo, Trung Quốc có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, hoặc nếu đạt thì đó là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Những lo lắng về triển vọng kinh tế Trung Quốc và những ảnh hưởng của nó tới kinh tế toàn cầu đã khiến Hội nghị G20 lần này chủ yếu tập trung vào những nỗ lực vực dậy nền kinh tế của Trung Quốc, chứ không phải về vấn đề thời điểm Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất. Các chuyên gia lo ngại, sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc là một mối nguy đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia mới nổi.

Tuy nhiên, trong Tuyên bố được đưa ra sau Hội nghị, đại diện các nước G20 cam kết sẽ có hành động quyết liệt để duy trì đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuyên bố không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng cam kết sẽ kiềm chế việc phá giá tiền tệ nhằm đạt lợi thế cạnh tranh và chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ. Nhóm G20 cũng cam kết "điều chỉnh một cách cẩn trọng và truyền đạt rõ ràng những hành động của nhóm..., nhằm giảm thiểu những hậu quả tiêu cực, bất ổn và thúc đẩy sự minh bạch" trong bối cảnh các nền kinh tế chủ chốt phấn đấu đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG:
Thị trường lao động phục hồi giữa thách thức về nhân khẩu học

Theo Báo cáo Triển vọng Xã hội và Việc làm châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố, thị trường lao động khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi tốt kể từ sau đại dịch COVID-19, mặc dù vẫn phải đối mặt với những thách thức sâu sắc do tình trạng dân số già đi nhanh chóng.

Thị trường lao động phục hồi giữa thách thức về nhân khẩu học
Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 4 thị trường cho thuê mới nổi hàng đầu châu Á

Singapore và Hồng Kông thường được coi là những thị trường bất động sản sôi động hơn ở châu Á. Tuy nhiên, một số thành phố đầy tiềm năng đang nổi lên, thậm chí một số thành phố còn vượt qua những trung tâm bất động sản truyền thống này về lợi suất cho thuê. Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 4 thị trường mới nổi này.

Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 4 thị trường cho thuê mới nổi hàng đầu châu Á
Return to top