Thế giới

Việc ký kết hiệp định RCEP là “điểm sáng” trong một năm đầy thử thách

ClockChủ Nhật, 15/11/2020 15:39
TTH.VN - Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, ông Chan Chun Sing ngày hôm nay (15/11) khẳng định, việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) "sẽ là điểm sáng chỉ ra hướng đi phía trước" trong một năm đầy thử thách.

RCEP là chìa khóa cho sự phục hồi của Đông ÁRCEP hỗ trợ mở rộng thương mại hàng hóa ASEANRCEP - thành tựu và thách thức của ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng các nước tham dự lễ ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) ngày 15/11. Ảnh minh họa: TTXVN

"Việc ký kết hiệp định RCEP là một động lực kịp thời đối với các triển vọng dài hạn hơn của khu vực. Đây sẽ là điểm sáng chỉ ra hướng đi phía trước. RCEP sẽ gửi một tuyên bố rõ ràng về sự ủng hộ và cam kết vững chắc của khu vực đối với hệ thống thương mại đa phương", ông Chan Chun Sing nói với giới truyền thông sau lễ ký kết.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore lưu ý, 2020 là một năm đầy thách thức, với sự gián đoạn toàn cầu đối với sản xuất và các chuỗi cung ứng do hậu quả của đại dịch COVID-19. Hậu quả sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới và sẽ cần thời gian để tất cả chúng ta xây dựng lại nền kinh tế và phục hồi từ cuộc khủng hoảng. Mặc dù vậy, không nền kinh tế nào có thể tự phục hồi. Khi áp lực nội địa gia tăng, mong muốn chuyển sản xuất về trong nước và đưa chuỗi cung ứng về gần hơn cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đây không phải là chiến lược bền vững nhất.

“Vào những thời điểm như thế này, chúng ta cần tiếp tục làm việc cùng nhau để phục hồi từ cuộc khủng hoảng và vạch ra một con đường mới cho tương lai", ông Chan Chun Sing nói thêm.

Trong một động thái liên quan, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định, việc ký kết hiệp định RCEP là “một bước tiến quan trọng”. Nhưng bây giờ, công việc khó khăn trong việc thực hiện hiệp định và khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng tối đa đang bắt đầu.

Thủ tướng Singapore cho rằng: “Chúng tôi sẽ phải nỗ lực để thuyết phục công dân rằng, RCEP sẽ mang lại lợi ích cho họ. Nhưng tôi chắc chắn, RCEP là một điểm cộng cho tất cả chúng ta, và sẽ giúp ngăn chặn làn sóng chống lại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế”.

Hợp nhất các quy tắc thương mại, tăng cường tiếp cận thị trường

Hiệp định RCEP hợp nhất các hiệp định nhỏ hơn hiện có, nhằm tạo thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, bao gồm 1/3 thế giới tính cả về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dân số.

Hiệp định này bao gồm “một nhóm đa dạng các quốc gia ở khu vực châu Á”, từ các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, đến những nền kinh tế có thu nhập trung bình ở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.

“Quyết tâm để thực hiện điều đó trong năm đầy thử thách này cho thấy nhận thức rằng, sự thịnh vượng và thành công của chúng ta có sự liên kết với nhau”, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore nhấn mạnh.

Đối với Singapore, RCEP sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường ưu đãi đối với hàng hóa, nhất là vào Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở một số trong những thị trường này, khả năng tiếp cận thị trường ưu đãi tăng thêm đạt 22%, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa chất và nhựa, cũng như lĩnh vực thực phẩm chế biến.

Các nhà xuất khẩu Singapore cũng sẽ được hưởng lợi từ thời gian và chi phí giao dịch thấp hơn, cũng như “sự chắc chắn lớn hơn” do thủ tục hải quan được đơn giản hóa và các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi thương mại được tăng cường.

Tại một số thị trường RCEP, ít nhất 65% các lĩnh vực dịch vụ sẽ được mở cửa cho sự tham gia của nước ngoài, với giới hạn cổ phần nước ngoài tăng lên. Ít nhất 50 phân ngành phụ sẽ được mở cửa với 51% vốn chủ sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực như viễn thông, các dịch vụ tài chính, các dịch vụ liên quan đến máy tính, dịch vụ chuyên nghiệp, dịch vụ phân phối và hậu cần.

Bên cạnh đó, hiệp định RCEP cũng sẽ giúp các doanh nghiệp “tận dụng lợi thế của các chuỗi giá trị khu vực”, bằng cách hợp nhất những quy tắc hiện hành khác nhau thành một bộ quy tắc duy nhất. Các lĩnh vực thương mại mới nổi bao gồm thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh và quyền sở hữu trí tuệ (IP) cũng được theo đuổi tại RCEP.

Ông Chan Chun Sing cho rằng, các bên ký kết sẽ cần phải “đẩy nhanh nỗ lực để phê chuẩn hiệp định này càng sớm càng tốt”. Việc thực hiện sớm RCEP sẽ có khả năng mang lại cơ hội hơn nữa cho thương mại của Singapore với 14 nền kinh tế ký kết khác, chiếm tổng cộng 50,4% thương mại toàn cầu của Singapore trong năm 2019.

“Đối với Singapore, hiệp định RCEP mang đến một nền tảng vững chắc để xây dựng lại nền kinh tế và vượt qua những thách thức khi cùng nhau vượt qua đại dịch. Tôi mong muốn được nhìn thấy các doanh nghiệp khai thác những lợi ích từ hiệp định RCEP để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi sau đại dịch của họ”, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore lưu ý.

Lê Thảo (Lược dịch từ CNA)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ký kết quy chế phối hợp 3 bên thực hiện chính sách bảo hiểm

Sáng 13/11, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tổ chức hội nghị triển khai ký kết quy chế phối hợp giữa cơ quan BHXH, Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cấp xã, phường và Tổ chức dịch vụ trên địa bàn TP. Huế.

Ký kết quy chế phối hợp 3 bên thực hiện chính sách bảo hiểm
Ký kết hợp tác về xây dựng Đảng và phát triển du lịch

Sáng 4/10, Thành ủy Huế tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ giữa Ban Thường vụ Thành ủy Huế và Ban Thường vụ Thị ủy Sa Pa (Lào Cai) về hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa giữa hai địa phương.

Ký kết hợp tác về xây dựng Đảng và phát triển du lịch
Return to top