Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa vàng tượng trưng cho chức vụ Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thủ tướng Thái Lan. Ảnh minh họa: VGP/Baochinhphu.vn
Việt Nam đã và đang đạt được những bước tiến lớn trong việc thể hiện mình là một nhà lãnh đạo hiệu quả, đặc biệt là trong sự chủ động đối với việc đối phó với đại dịch COVID-19, thực hiện chính sách biến đổi khí hậu và ổn định chính trị.
Chính sách biến đổi khí hậu
Việt Nam đã đạt được mục tiêu hành động về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong khi Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore đã tụt lại phía sau. Trong đó mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 13 của LHQ là về hành động khí hậu và các quốc gia phải đạt được 5 mục tiêu, bao gồm các biện pháp giảm lượng khí thải Carbon và đầu tư vào khả năng chống chịu với khí hậu.
Theo Báo cáo Phát triển Bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được mục tiêu về khí hậu. Có thể nói, Việt Nam đang đi trước các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á khi thúc đẩy sự phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng tái tạo…
Tăng trưởng kinh tế
Ngay cả trong những thời điểm khó khăn như thế này, nền kinh tế Việt Nam đã và đang có khả năng phục hồi đáng kể. Việt Nam cũng đang ở vị trí thuận lợi để thoát khỏi bẫy kinh tế COVID-19 nhờ 3 lý do:
Thứ nhất, chính phủ đã đưa ra các biện pháp giảm thuế, hoãn nộp thuế và tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp.
Thứ hai, luật đầu tư ở Việt Nam đã được sửa đổi nhiều lần, chủ yếu áp dụng cách tiếp cận có lợi hơn cho các nhà đầu tư bằng cách giảm bớt thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Với vốn FDI đạt khoảng hơn 12 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 – tháng 4/2020 và vẫn đang tăng, Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Trong 4 năm qua, khoảng 1 tỷ USD đã được rót vào lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam.
Thứ ba, Việt Nam cũng đã phê chuẩn một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29/7/2020. Bắt đầu từ tháng 7, EU đã dỡ bỏ 85% thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam và cắt giảm dần phần còn lại trong vòng 7 năm tới.
Đổi lại, Việt Nam sẽ dỡ bỏ 49% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ EU và cam kết loại bỏ phần còn lại trong vòng 10 năm. Ngoài ra, Việt Nam xuất siêu hơn 9,9 tỷ USD – mức cao nhất so với 4 năm trước. Do đó, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực vào năm 2020.
Kinh tế Việt Nam trong quý III diễn biến tích cực, ghi nhận mức tăng trưởng dự kiến 2,6% nhờ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,93%. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95% và dịch vụ tăng trưởng 2,75%. Tăng trưởng tổng thể của Việt Nam vào năm 2020 dự kiến sẽ nằm trong khoảng 2,9%.
Chính trị ổn định
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định ở Đông Nam Á. Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền đã đưa ra những định hướng chiến lược và quyết định mọi chính sách lớn, cùng lúc kiểm soát chặt chẽ mâu thuẫn nội bộ.
Là ngôi sao đang lên của Đông Nam Á, Việt Nam có thể đảm nhận chức vụ lãnh đạo một cách hiệu quả. Thành công của chiến lược đối phó với đại dịch COVID-19 của Việt Nam được lấy kinh nghiệm từ việc đối phó với các bệnh dịch khác trong quá khứ đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Kết hợp với nhiều yếu tố khác, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức lớn khác của một thế giới hậu đại dịch và phát triển thịnh vượng hơn.
Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)