Thế giới

WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Novavax

ClockThứ Tư, 22/12/2021 15:10
TTH.VN - Ngày 21/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 có tên Nuvaxovid, do tập đoàn dược phẩm khổng lồ Novavax của Mỹ sản xuất, để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, sau khi cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu bật đèn xanh cho loại vaccine này.

Vaccine ngừa COVID-19 của Ấn Độ được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấpNovavax nộp hồ sơ đề nghị WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 của Sinopharm

WHO phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ Novavax để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Ảnh: Laodong

Được biết một ngày trước đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã đánh giá và cấp phép sử dụng Nuvaxovid cho người từ 18 tuổi trở lên.

Nuvaxovid được phát triển dựa trên một công nghệ thông thường hơn so với những loại vaccine ngừa COVID-19 khác đã được phê duyệt, nên các quan chức ở EMA hy vọng điều này sẽ giúp thuyết phục những người vẫn đang do dự về vaccine chịu đi tiêm chủng.

Nuvaxovid sử dụng một công nghệ truyền thống liên quan đến các protein được tìm thấy trên các protein gai của virus SARS-CoV-2 để kích hoạt phản ứng miễn dịch. Đây là một cách tiếp cận đã được thử nghiệm và được sử dụng trong nhiều thập kỷ để phát triển các loại vaccine chống lại các bệnh như viêm gan B và ho gà.

Theo AFP, việc Nuvaxovid được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của WHO mở đường cho các quốc gia trên toàn thế giới nhanh chóng phê duyệt và nhập khẩu loại vaccine này để phân phối và sử dụng.

Đồng thời, nó cũng mở ra cánh cửa để vaccine của hãng dược Novavax được chấp nhận tham gia chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu của COVAX, một sáng kiến do WHO dẫn đầu nhằm chia sẻ vaccine công bằng trên toàn thế giới, nhất là ở các nước nghèo hơn.

Nuvaxovid gồm 2 liều tiêm và là vaccine thứ 10 được WHO cấp giấy chứng nhận EUL. Trước đó, vào ngày 17/12, một phiên bản vaccine của hãng Novavax do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất có tên Covovax cũng đã được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Cùng với Nuvaxovid và Covovax, 8 loại vaccine khác có tên trong danh sách EUL gồm vaccine của các hãng Moderna, Pfizer/BioNTech, Johnson & Johnson, vaccine AstraZeneca được sản xuất ở châu Âu, vaccine Covishield (phiên bản AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất), vaccine Covaxin do tập đoàn Bharat Biotech (Ấn Độ) sản xuất, và các vaccine Sinopharm, Sinovac do Trung Quốc sản xuất.

Theo kết quả hai nghiên cứu lâm sàng lớn, một ở Anh, một ở Mỹ và Mexico, với hơn 45.000 người, Nuvaxovid có hiệu quả khoảng 90% trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm COVID-19.

Trong một tài liệu riêng, Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO đã khuyến nghị loại vaccine mới này nên sử dụng cho những người trên 18 tuổi, với khoảng cách giữa 2 lần tiêm là 3-4 tuần.

Nuvaxovid có thể được giữ ở nhiệt độ lạnh từ 2 đến 8 độ C, mang lại lợi thế về mặt hậu cần ở những vùng khó tiếp cận so với các vaccine sử dụng công nghệ mRNA - vốn phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.

BẢO NGHI (Lược dịch từ AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

CA TỬ VONG ĐẦU TIÊN Ở NGƯỜI VÌ CÚM GIA CẦM H5N2:
WHO đang chờ dữ liệu giải trình tự gen đầy đủ

Hãng Thông tấn AFP ngày 7/6 dẫn nguồn tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, cơ quan này đang chờ dữ liệu giải trình tự gen đầy đủ, sau khi một người đàn ông tử vong vì cúm gia cầm ở Mexico, trường hợp người đầu tiên được xác nhận nhiễm chủng cúm gia cầm H5N2.

WHO đang chờ dữ liệu giải trình tự gen đầy đủ
NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ 2024 (31/5):
WHO kêu gọi bảo vệ giới trẻ

Từ năm 1987, ngày 31/5 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới không thuốc lá, nhằm thu hút sự chú ý toàn cầu đến đại dịch thuốc lá, cũng như đến tình trạng tử vong và bệnh tật cho hút thuốc gây ra.

WHO kêu gọi bảo vệ giới trẻ
Return to top