Thế giới

WHO công bố dự án mới thúc đẩy quá trình phát triển vaccine cúm gia cầm mRNA

ClockThứ Hai, 29/07/2024 19:53
TTH.VN - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm nay (29/7) vừa công bố một dự án mới nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine sử dụng công nghệ tiên tiến mRNA phòng ngừa cúm gia cầm ở người tại các quốc gia nghèo trên thế giới.

Phần Lan trở thành quốc gia đầu tiên thế giới tiêm phòng cúm gia cầm cho ngườiDịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccineVirus cúm gia cầm mới có khả năng lây truyền từ người sang người

Cúm gia cầm được xem là “một rủi ro đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng” do chúng lưu hành rộng rãi ở động vật và có khả năng gây ra đại dịch trong tương lai. Ảnh minh họa: Reuters/nld 

WHO cho biết nhà sản xuất Sinergium Biotech của Argentina sẽ dẫn đầu nỗ lực này và đã bắt đầu phát triển các ứng viên vaccine ngừa cúm gia cầm H5N1.

Cúm gia cầm H5N1 lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1996, nhưng kể từ năm 2020, sự gia tăng theo cấp số nhân các đợt bùng phát ở chim đã diễn ra song song với việc virus này ngày càng lây lan rộng ở động vật có vú, bao gồm cả gia súc ở các trang trại tại Mỹ và một số ít ca nhiễm H5N1 ở người. Điều này làm dấy lên lo ngại virus này có thể gây ra một đại dịch trong tương lai.

Được biết, Sinergium đang hướng tới mục tiêu thiết lập các bằng chứng chứng minh các ứng viên vaccine của hãng hoạt động hiệu quả trong các mô hình tiền lâm sàng. Khi có được dữ liệu, Sinergium sẽ chia sẻ công nghệ, vật liệu và kỹ thuật với một mạng lưới các nhà sản xuất dược phẩm ở các quốc gia nghèo hơn, cho phép họ đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất của riêng mình.

Theo WHO, dự án sẽ được triển khai thông qua chương trình chuyển giao công nghệ mRNA mà tổ chức này đã thiết lập với Quỹ sáng chế thuốc (MPP) do Liên hợp quốc hậu thuẫn vào năm 2021, giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng COVID-19. Chương trình này nhằm mục đích giúp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình - những quốc gia thấy mình bị thiếu hụt nghiêm trọng trong đại dịch, tự phát triển và sản xuất vaccine sử dụng công nghệ mRNA.

Công nghệ tiến tiến mRNA sẽ hướng dẫn cơ thể sản xuất một loại protein kích thích phản ứng miễn dịch, dạy cơ thể cách chống lại tác nhân gây bệnh.

Công bằng vaccine

Vaccine COVID-19 mRNA được phát triển nhanh chóng đã thay đổi cuộc chơi trong đại dịch, nhưng chúng cũng phơi bày sự bất công rõ ràng trên toàn cầu về vaccine và nhu cầu phân phối công bằng hơn trong bối cảnh nỗ lực sử dụng công nghệ này để chống lại các dịch bệnh khác.

Trong một tuyên bố, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết “sáng kiến này minh họa lý do tại sao WHO thành lập Chương trình chuyển giao công nghệ mRNA”. Chương trình này bao gồm 15 đối tác sản xuất tại các quốc gia từ Nam Phi, Ukraine cho đến Việt Nam, nhằm mục đích thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và sản xuất nhiều hơn ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Theo cách đó, “khi đại dịch tiếp theo xảy ra, thế giới sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đưa ra phản ứng hiệu quả hơn và công bằng hơn”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.

Virus cúm gia cầm được xem là “một rủi ro đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng” do chúng lưu hành rộng rãi ở động vật và có khả năng gây ra đại dịch trong tương lai.

WHO cho biết có một loạt vaccine cúm truyền thống đã được cấp phép sử dụng trong đại dịch có khả năng được điều chỉnh để chống lại H5N1 nếu virus cúm gia cầm bắt đầu lây lan giữa người. Nhưng Martin Friede, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu vaccine của WHO nói rằng việc tập trung vào phát triển vaccine dựa trên mRNA sẽ có nhiều ưu điểm khi thiết lập được năng lực sản xuất bền vững.

Theo ông Friede, một nửa số nhà sản xuất trong chương trình đã bắt đầu lắp đặt các thiết bị cần thiết để phát triển và sản xuất vaccine sử dụng công nghệ mRNA, nghĩa là các nước này sẽ có thể hành động nhanh hơn nhiều nếu lại có một thảm họa đại dịch xảy ra.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNA & WHO)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top