Tiêm vaccine được coi là biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan B khá hiệu quả. Ảnh: Hewel
Theo lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trên toàn cầu, nhưng “khả năng tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị đối với bệnh viên gan virus vẫn còn quá thấp”. Các số liệu cho thấy trong hơn 350 triệu người bị viêm gan mãn tính, ước tính có đến 80% số bệnh nhân không thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc mà họ cần”.
Với mục đích nâng cao nhận thức về bệnh viêm gan virus, một chứng viêm gan gây ra bệnh gan nặng và ung thư tế bào gan, Ngày phòng chống Viên gan Thế giới được tổ chức vào ngày 28/7 hằng năm với những hoạt động ý nghĩa. Chiến dịch năm nay đặc biệt nhằm mục đích tăng cường xét nghiệm và điều trị sớm để giảm nguy cơ ung thư gan.
Theo các nhà khoa học, có 5 chủng virus chính A, B, C, D và E đều gây ra bệnh gan, nhưng chúng khác nhau về mức độ nghiêm trọng của bệnh, sự phân bố địa lý và phương pháp phòng ngừa, trong đó một số dạng viêm gan có thể được ngăn ngừa thông qua tiêm chủng.
Một nghiên cứu của WHO cho thấy đến năm 2030, ước tính khoảng 4,5 triệu ca tử vong sớm có thể được ngăn chặn ở các nước thu nhập thấp và trung bình thông qua tiêm chủng, xét nghiệm, chẩn đoán, thuốc men và các chiến dịch giáo dục.
Hiện nay, 42% trẻ em trên toàn cầu được sử dụng vaccine viêm gan B liều sơ sinh.
Giám đốc WHO cho biết, chiến lược phòng chống viêm gan toàn cầu của WHO nhằm mục tiêu “giảm 90% ca nhiễm viêm gan B và C mới và 65% trường hợp tử vong từ năm 2016 đến năm 2030”, đã được tất cả các nước thành viên WHO nhất trí. Ông cũng nói thêm rằng “WHO có các công cụ để đạt được những mục tiêu này, nhưng chỉ khi tất cả các quốc gia cam kết đảm bảo rằng tất cả mọi người dân đều có thể tiếp cận với các ông cụ đó. Hãy bắt đầu hành đồng vì bệnh viêm gan không thể chờ đợi được”.
Bệnh viêm gan B và C toàn cầu
Trong các chủng virus viêm gan nói trên, viêm gan B và C là hai loại phổ biến nhất, đã dẫn đến 1,1 triệu ca tử vong và 3 triệu ca nhiễm mới mỗi năm.
Ước tính có khoảng 354 triệu người trên thế giới sống chung với bệnh viêm gan B hoặc C, và hầu hết, việc xét nghiệm và điều trị vẫn còn nằm ngoài khả năng của họ.
Gánh nặng nhiễm trùng viêm gan B cao nhất được ghi nhận ở khu vực Tây Thái Bình Dương và khu vực châu Phi, nơi lần lượt có 116 triệu và 81 triệu người bị nhiễm viêm gan B mãn tính.
Tiếp đến là khu vực Đông Địa Trung Hải với 60 triệu người nhiễm bệnh, Đông Nam Á có 18 triệu người nhiễm, châu Âu 14 triệu và 5 triệu bệnh nhân viêm gan B ở châu Mỹ.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy hiện chỉ có 10% số người nhiễm virus viêm gan B mãn tính được chẩn đoán, 22% trong số đó được điều trị.
Trong khi đó, virus viêm gan C (HCV) xảy ra ở tất cả các khu vực nằm trong bản đồ các nước thành viên của WHO.
Nếu không được điều trị, viêm gan B và C là những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư gan - nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 6 tại khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO.
Được biết, viêm gan B lây truyền nhiều nhất từ mẹ sang con khi sinh, được gọi là lây truyền chu sinh. Nó cũng lây lan do chấn thương, xăm mình, xỏ khuyên và tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh.
Tương tự, virus viêm gan C cũng là một loại virus lây truyền qua đường máu. Do vậy, WHO khuyến cáo rằng nếu bạn đi xăm hoặc xỏ khuyên, hãy đảm bảo rằng kim tiêm được khử trùng thường xuyên nhất, vì viêm gan C rất dễ lây truyền qua các thiết bị không được khử trùng.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN)