Nguồn cung vaccine COVID-19 vẫn còn chênh lệnh tại nhiều nước trên thế giới. Ảnh minh họa: AFP/báo Lao động
Tuyên bố này được đưa ra khi Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng rằng một số quốc gia giàu có hiện nay đang triển khai tiêm phòng cho trẻ em và thanh thiếu niên, trong khi các quốc gia nghèo hơn thậm chí hầu như chưa bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế và các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.
Thay vì tiêm chủng cho những người trẻ tuổi và đang khỏe mạnh, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước chia sẻ lượng vaccine này thông qua Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19 (COVAX), nhờ đó đảm bảo những người cần nhất, ở mọi quốc gia đều được bảo vệ.
“Tôi hiểu tại sao một số quốc gia lại tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên của nước họ. Tuy nhiên ngay lúc này, tôi khuyến khích họ suy nghĩ lại và tặng số vaccine đó cho COVAX. Bởi tại một số nước thu nhập trung bình và thấp, nguồn cung vaccine COVID-19 thậm chí là không đủ để tiêm chủng cho đội ngũ nhân viên y tế và các bệnh viện đang ngập trong các ca bệnh đang cần được cứu chữa”.
Theo thống kê của AFP, gần 1,4 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm ở ít nhất 210 vùng lãnh thổ trên thế giới. Khoảng 44% đã được sử dụng ở các nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,3% được phân phối cho các nước có thu nhập thấp, nơi sinh sống của 9% dân số thế giới.
Cập nhật tình hình diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là tại Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 đến các vùng nông thôn rộng lớn của nước này, khi con số tử vong đã đạt mốc 4.000 người chỉ trong 3 ngày liên tiếp, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành khoảng 24 triệu người.
Ấn Độ đang chứng kiến chủng biến thể B1617 có khả năng lây nhiễm cao lây lan trong cộng đồng. Thủ tướng Modi nhận định, chính phủ của ông đang “sẵn sàng để đấu tranh” để nỗ lực kiềm chế đại dịch lây lan.
Được biết, mặc dù 2/3 dân số Ấn Độ là ở các vùng nông thôn, nơi có các thị trấn, làng mạc, với hệ thống y tế vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng đây là lần đầu tiên Thủ tướng Modi đề cập cụ thể đến sự lây lan của virus đến các vùng nông thôn kể từ khi đợt dịch thứ 2 bùng phát hồi tháng 2 vừa qua.
“Tất cả các cơ quan chính phủ, tất cả các nguồn lực, lực lượng vũ trang, các nhà khoa học và tất cả mọi người đang làm việc ngày đêm để chống lại đại dịch COVID-19”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh.
Không chỉ riêng Ấn Độ, cũng trong tâm thế nỗ lực hết sức để chiến đấu với dịch bệnh, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 14/5 cũng cho biết, nước này sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng COVID-19 để ngăn chặn tối đa sự lây lan của biến thể được tìm thấy ở Ấn Độ - yếu tố có thể khiến việc mở cửa trở lại nền kinh tế bị đi chệch hướng.
Vương quốc Anh là quốc gia đã thực hiện một trong những chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới, giúp 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng mũi đầu tiên và 36% đã tiêm đủ 2 mũi, hỗ trợ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong.
Hãng tin CNA dẫn lời của Thủ tướng Boris Johnson cho biết, chính phủ Anh sẽ đẩy mạnh việc tiêm chủng mũi 2 cho những người trên 50 tuổi, cũng như tiêm mũi 2 cho những cá nhân dễ bị tổn thương do có các bệnh lý lâm sàng chỉ 8 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên.
Mặc dù đã và đang triển khai toàn bộ những nỗ lực cấp thiết, song sự lây lan nhanh của biến thể COVID-19 vẫn có thể làm gián đoạn tiến trình thoát khỏi các hạn chế, khiến giai đoạn cuối cùng của tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế vào tháng 6 của Anh trở nên khó khăn hơn.
Trước đó, Thủ tướng Boris Johnson đặt mục tiêu dỡ bỏ mọi hạn chế vào ngày 21/6, sau khi cho phép người dân Anh được gặp nhau ở khoảng cách gần, tụ tập thành các nhóm nhỏ và được phép du lịch ra nước ngoài trở lại.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)