Thế giới

WHO: Số ca tử vong vì COVID-19 giảm 95% trong năm nay

ClockThứ Năm, 27/04/2023 10:42
TTH.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/4 cho biết số ca tử vong vì COVID-19 từ đầu năm đến nay đã giảm 95%. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo virus vẫn luôn biến đổi.

WHO cảnh báo đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều biến độngNhìn lại thế giới năm 2022: Ứng phó với nguy cơ ''dịch chồng dịch''Những biến thể mới có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp

leftcenterrightdel
Số ca tử vong vì COVID-19 đã giảm liên tục từ đầu năm đến nay. Ảnh: AFP/TTXVN  

Trong cuộc họp hàng tuần tại Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết vào tuần tới, cơ quan này sẽ khởi động Kế hoạch Chuẩn bị chiến lược và Ứng phó (SPRP) lần thứ tư của WHO, kể từ lần đầu tiên khi bắt đầu đại dịch COVID-19 vào tháng 2/2020.

Bản cập nhật này phác thảo cách các quốc gia có thể “chuyển đổi từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý lâu dài, bền vững đối với COVID-19”, ông nói.

Hàng trăm triệu người sẽ cần được chăm sóc

“Chúng tôi rất phấn khởi trước sự sụt giảm liên tục về số ca tử vong do COVID-19  được báo cáo, với mức giảm đến 95% kể từ đầu năm nay… Tuy nhiên, một số quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng trở lại, và trong 4 tuần qua, 14.000 người đã thiệt mạng vì COVID-19”, Tổng giám đốc WHO cho biết.

Theo WHO, ước tính cứ 10 ca nhiễm COVID-19 thì có một ca dẫn đến tình trạng thường được gọi là hậu COVID-19, hay COVID kéo dài, “cho thấy hàng trăm triệu người sẽ cần được chăm sóc dài hạn hơn” trong tương lai.

Đồng thời, sự xuất hiện của biến thể XBB.1.16 mới cho thấy virus vẫn đang biến đổi và vẫn có khả năng gây ra các đợt dịch bệnh và tử vong mới.

Virus vẫn tồn tại

“Chúng tôi vẫn hy vọng rằng vào một thời điểm nào đó trong năm nay, chúng tôi sẽ có thể tuyên bố chấm dứt COVID-19 như một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm. Nhưng loại virus này vẫn tồn tại và tất cả các quốc gia sẽ cần học cách quản lý nó cùng với các bệnh truyền nhiễm khác”, Tổng giám đốc Ghebreyesus nhấn mạnh.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết các dòng phụ XBB hiện đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới. Các biến thể này có xu hướng dễ lây lan, làm gia tăng số ca nhiễm, và cũng đang có biểu hiện “trốn miễn dịch”, nghĩa là mọi người có thể bị tái nhiễm mặc dù đã được tiêm vaccine hoặc bị nhiễm bệnh trước đó.

Từ đó, Tiến sĩ Kerkhove kêu gọi tăng cường giám sát thông qua xét nghiệm “để có thể theo dõi chính virus và hiểu ý nghĩa của từng đột biến này”. Những thông tin này sẽ được tham khảo để phát triển vaccine và ra các quyết định để ứng phó với virus.

Người đứng đầu WHO cũng lưu ý rằng đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn mạnh các chương trình tiêm chủng, với ước tính 67 triệu trẻ em đã bỏ lỡ ít nhất một mũi vaccine thiết yếu trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021.

Ông cho biết sau một thập kỷ, tiến độ tiêm chủng đã bị đình trệ, tỷ lệ tiêm chủng đang quay trở lại mức thấp như năm 2008, dẫn đến sự bùng phát dịch sởi, bạch hầu, bại liệt và sốt vàng da. Do vậy, tất cả các quốc gia phải giải quyết “các rào cản đối với việc tiêm chủng, cho dù đó là khả năng tiếp cận, tính sẵn có, chi phí hay thông tin sai lệch”.

Chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai

Cũng trong ngày 26/4, WHO đã đưa ra một sáng kiến mới nhằm giúp tăng cường khả năng của các quốc gia trong việc lập kế hoạch và đối phó với một đại dịch chết người khác tương tự như COVID-19. Sáng kiến Chuẩn bị sẵn sàng và Khả năng phục hồi trước các Mối đe dọa mới nổi (PRET) sẽ kết hợp các công cụ và phương pháp tiếp cận mới nhất để chia sẻ kiến thức và hành động tập thể về đại dịch COVID-19 và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khác gần đây.

WHO cho biết “thay vì tập trung vào mầm bệnh hoặc bệnh tật cụ thể, PRET áp dụng cách tiếp cận tích hợp để lập kế hoạch đại dịch, bằng cách tập trung vào các nhóm mầm bệnh và hệ thống mà chúng ảnh hưởng… Đầu tiên, PRET sẽ tập trung vào các mầm bệnh đường hô hấp, bao gồm cúm, coronavirus, RSV và các mầm bệnh chưa được biết đến”.

Đồng thời, sáng kiến này cũng được thiết kế để thúc đẩy sự hợp tác giữa các lĩnh vực. Như COVID-19 đã chứng minh, đại dịch không chỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến các nền kinh tế, giáo dục, thương mại, du lịch, hệ thống cung cấp thực phẩm và hơn thế nữa. Do đó, PRET sẽ gắn kết với càng nhiều lĩnh vực hoạt động của con người càng tốt, bao gồm xã hội dân sự, các nhóm tôn giáo và giới trẻ.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters & UN)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top