Thế giới

WHO tiền thẩm định vaccine R21/Matrix-M - cột mốc quan trọng trong phòng chống sốt rét

ClockThứ Năm, 28/12/2023 09:04
TTH.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây thông báo đã tiền thẩm định loại vaccine sốt rét thứ hai, có tên gọi R21/Matrix-M, mở đường cho loại vaccine này được triển khai rộng rãi hơn.

WHO phê duyệt vaccine ngừa sốt rét thứ hai cho trẻ emWHO hướng tới loại trừ bệnh sốt rét ở 25 quốc giaCam kết để có một khu vực Đông Nam Á không có sốt rét

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa bệnh sốt rét cho trẻ em tại Kenya. Ảnh: AFP/TTXVN 

Hồi tháng 10/2023, WHO đã khuyến nghị sử dụng vaccine R21/Matrix-M để phòng ngừa bệnh sốt rét ở trẻ em theo lời khuyên của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) của WHO về Tiêm chủng và Nhóm tư vấn chính sách sốt rét. Trong tuyên bố, WHO cho biết việc tiền thẩm định đồng nghĩa với việc là tăng khả năng tiếp cận với vaccine như một công cụ chính để ngăn ngừa bệnh sốt rét ở trẻ em, vì đây là điều kiện tiên quyết để UNICEF mua vaccine và tài trợ cho Liên minh vaccine Gavi.

Vaccine R21 là vaccine sốt rét thứ hai được WHO tiền thẩm định, sau vaccine RTS,S/AS01 đã được cấp chứng nhận tiền thẩm định vào tháng 7/2022. Cả hai loại vaccine này đều được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng nhằm ngăn ngừa bệnh sốt rét ở trẻ em. Khi được triển khai rộng rãi, kết hợp cùng các biện pháp can thiệp phòng chống sốt rét được khuyến nghị khác, chúng được kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Thực tế, sốt rét - một căn bệnh do muỗi truyền, đặt gánh nặng đặc biệt lớn lên trẻ em ở khu vực châu Phi, nơi có gần 500.000 trẻ em chết vì căn bệnh này mỗi năm. Trên toàn cầu, vào năm 2022, ước tính có khoảng 249 triệu ca sốt rét và 608.000 ca tử vong do sốt rét ở 85 quốc gia.

An toàn và hiệu quả

Việc tiền thẩm định vaccine sốt rét thứ hai trên thế giới do Đại học Oxford phát triển và Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng khả năng tiếp cận phòng chống sốt rét thông qua tiêm chủng. Được biết, nhu cầu về vaccine sốt rét rất cao nhưng cho đến nay, nguồn cung vẫn còn hạn chế. Sự sẵn có của hai loại vaccine sốt rét được WHO khuyến nghị và tiền thẩm định này dự kiến sẽ giúp làm tăng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu cao từ các nước châu Phi và mang lại đủ lượng vaccine cho tất cả trẻ em sống ở những khu vực mà sốt rét được xem là nguy cơ sức khỏe cộng đồng đáng kể.

Tiến sĩ Rogério Gaspar, Giám đốc phụ trách quy định và kiểm duyệt chất lượng của WHO cho biết “việc đạt được chứng nhận kiểm duyệt chất lượng của WHO đảm bảo rằng vaccine được sử dụng trong các chương trình tiêm chủng toàn cầu là an toàn và hiệu quả trong các hệ thống y tế mục tiêu. WHO đánh giá nhiều sản phẩm để tiền thẩm định mỗi năm và cốt lõi của công việc này là đảm bảo khả năng tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm y tế an toàn, hiệu quả và chất lượng”.

Phát biểu về vấn đề này, Tiến sĩ Kate O'Brien - Giám đốc Bộ phận tiêm chủng, vaccine và sinh phẩm của WHO, khẳng định rằng đây là một bước tiến lớn về sức khỏe toàn cầu với việc tiền thẩm định R21/Matrix-M, loại vaccinesốt rét thứ hai được khuyến nghị cho trẻ em ở vùng dịch sốt rét lưu hành. Thành tựu này nhấn mạnh cam kết không ngừng trong việc loại trừ bệnh sốt rét -  vốn vẫn là kẻ thù nguy hiểm đối với trẻ em. “Cùng với các đối tác, WHO cam kết theo đuổi một tương lai không còn bệnh sốt rét, nơi mọi sinh mạng đều được bảo vệ khỏi mối đe dọa của căn bệnh này”, Tiến sĩ O'Brien nhấn mạnh.

Là một phần trong quá trình tiền thẩm định, WHO áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá và xác định toàn diện xem vaccine có an toàn, hiệu quả và được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế hay không. WHO cũng đảm bảo tính an toàn và hiệu quả liên tục của các loại vaccine đã được kiểm duyệt, chẳng hạn như thông qua việc đánh giá lại thường xuyên, kiểm tra hiện trường sản xuất… Quá trình tiền thẩm định sẽ hỗ trợ các nhu cầu cụ thể của các chương trình tiêm chủng quốc gia liên quan đến các đặc tính của vaccine như hiệu lực, khả năng chịu nhiệt, ghi nhãn và điều kiện vận chuyển.

BẢO NGHI (Lược dịch từ WHO)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top