|
|
Hai kỳ thủ Phương Thảo và Hồng Ân xuất sắc trở thành ngôi đầu của môn cờ ốc |
Hai cô gái Việt Nam đều xuất thân từ môn cờ vua và chỉ mới tập luyện cờ ốc sau khi Ban tổ chức quyết định đưa bộ môn này vào thi đấu chính thức thay cho cờ vua. Phạm Thanh Phương Thảo, 24 tuổi, từng được xem là tài năng trẻ của làng cờ Việt Nam. Bắt đầu chơi cờ vua năm 6 tuổi và chỉ 4 năm sau cô bé của đội Hải Phòng đã có được chiếc HCV giải trẻ châu Á. Tuy nhiên, kể từ đó sự nghiệp Phương Thảo bắt đầu đi xuống. Phương Thảo bất ngờ rẽ hướng sang cờ ốc khi bộ môn này được đưa vào Việt Nam tập luyện để tham dự SEA Games 32.
Người đồng đội Tôn Nữ Hồng Ân vẫn là kỳ thủ cờ vua tốp đầu của Việt Nam. Cô gái 31 tuổi người Lâm Đồng đang thi đấu cho Bà Rịa-Vũng Tàu, đang là kiện tướng liên đoàn cờ thế giới. Với tư chất bẩm sinh, Hồng Ân đã nhanh chóng hòa nhập với bộ môn mới và có được chiếc HCB tại giải vô địch Đông Nam Á hồi đầu năm, và chỉ chịu thua người đồng đội Vũ Thị Diệu Uyên.
Dù chỉ bắt đầu chơi môn cờ ốc từ tháng 10, nhưng kỳ thủ Nguyễn Quang Trung đã nhanh chóng đoạt các thứ hạng cao tại giải vô địch Đông Nam Á hồi đầu năm với tấm HCĐ và lần này là chiếc HCB của SEA Games 32. Để có mặt trong trận chung kết, Nguyễn Quang Trung đã thắng rất thuyết phục trước VĐV Nou Chanphanit của chủ nhà Campuchia. Ở trận chung kết, Nguyễn Quang Trung đã không thể thắng kỳ thủ được xem là số 1 của Campuchia Sok Limheng, cũng là người đã chỉ dẫn và huấn luyện cho Nguyễn Quang Trung.
Đến cuối ngày 6/5, bộ môn cờ ốc của Việt Nam đã có được 1 tấm HCV của Phạm Thanh Phương Thảo, Tôn Nữ Hồng Ân ở nội dung đồng đội nữ cờ tiêu chuẩn, 1 HCB nội dung đơn nam cờ chớp của Nguyễn Quang Trung và 2 HCĐ của Hoàng Nam Thắng ở nội dung đơn nam cờ chớp cùng nội dung cờ tiêu chuẩn đồng đội nam 4 người. Đội tuyển cờ ốc Việt Nam vẫn còn kỳ vọng đoạt thêm 1 tấm HCV ở nội dung đơn nữ cờ tiêu chuẩn khi Vũ Thị Diệu Uyên và Đoàn Thị Hồng Nhung đang thi đấu rất tốt.
Trở thành môn đầu tiên mang về HCV cho đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games 32, cờ ốc ngay lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người hâm mộ. Không chỉ lạ ở cái tên, môn cờ ốc còn có nhiều điểm thú vị khác, đặc biệt là về điều kiện thi đấu. Trong cờ vua hay cờ tướng, các VĐV đều được thi đấu trong một không gian riêng tư, gần như không có tiếng động bên ngoài để tập trung cao nhất. Cờ ốc thì khác, môn này thi đấu trong một không gian mở như nhiều môn thể thao có tính đối kháng.
Trong nhà thi đấu môn cờ ốc tại SEA Games 32, các VĐV thi đấu dưới sự theo dõi, cổ vũ của cả trăm khán giả. Trước mỗi trận đấu, các phóng viên được phép tác nghiệp ngay sát bàn cờ. Khi các trận đấu đang diễn ra, các VĐV thường xuyên nghe những thông báo lớn của ban tổ chức từ micro thông qua loa, hoặc nghe khán giả hò reo tưng bừng mỗi khi có một nước cờ hay. Bên cạnh đó, ở những trận đấu hấp dẫn, cả chục trọng tài đứng quanh... để xem.
Cờ ốc có cách chơi tương tự như cờ vua (giống 80%). Ngoài ra, theo điều lệ của ban tổ chức, các VĐV phải đủ từ 18 tuổi trở lên mới được tham gia tranh tài môn cờ ốc ở SEA Games 32. Đây cũng là điều lạ của môn cờ ốc. Môn này rất phổ biến ở Campuchia, Thái Lan và được người dân 2 nước này chơi từ rất lâu về trước. Mặc dù vậy, ở SEA Games 32, nhiều kỳ thủ cờ vua của Việt Nam mới chỉ tập luyện chưa tới 1 năm đã thuần thục và trở thành đội mạnh cùng với đội chủ nhà Campuchia và Thái Lan.