|
|
Các VĐV vật trẻ của Huế là sự tiếp nối xứng đáng bậc đàn chị nếu được đầu tư thỏa đáng |
Những tấm huy chương mới nhất
Trong khi nhiều môn thể thao khác, kể cả các môn thế mạnh một thời vẫn còn gặp nhiều khó khăn thì môn vật của Thừa Thiên Huế, đặc biệt là nội dung vật nữ lại đang vào “mùa hái lộc” khi cứ đều đều “lượm” huy chương qua các giải đấu. Mới đây nhất vào giữa tháng 7 vừa qua, tại Giải vô địch các CLB vật bãi biển lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam, đoàn Thừa Thiên Huế đứng thứ Nhì toàn đoàn nội dung vật nữ.
Giải đấu có 5 bộ huy chương cho nam gồm 60kg, 70kg, 80kg, 90kg và trên 90kg; 4 bộ huy chương cho nữ gồm các hạng cân 50kg, 60kg; 70kg và trên 70kg. Ở nội dung dành cho nữ, đoàn Thừa Thiên Huế đoạt 1 HCV của VĐV Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, 1 HCB của VĐV Nguyễn Thị Mỹ Trang và 3 HCĐ của các VĐV Nguyễn Thị Mỹ Linh, Đoàn Thị Kim Oanh, Hoàng Ngọc Trinh. Tính ra, đoàn Thừa Thiên Huế đoạt được 8 HC (1 HCV, 1 HCB và 6 HCĐ), chỉ xếp sau đoàn Thanh Hóa. Ở nội dung dành cho nam, đoàn Thừa Thiên Huế còn đoạt thêm 3 HCĐ của các VĐV Phạm Văn Có, Nguyễn Văn Quảng và Phạm Phước Rin.
Trước đó, tại Giải Vô địch các lứa tuổi trẻ vật tự do, vật cổ điển toàn quốc năm 2023 diễn ra vào đầu tháng 6, đoàn Thừa Thiên Huế giành được 3 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ. Nội dung vật nữ tự do đứng thứ 2 toàn đoàn. Nguyễn Hồng Anh đoạt HCV hạng 40kg, Nguyễn Huỳnh Xuân Nhi đoạt HCV hạng 61kg và Ngô Lê Thảo Nguyên đoạt HCV hạng 73kg. Hai HCB thuộc về Trần Thị Ngọc Trâm hạng 33kg, Phạm Thị An Bình hạng 50kg. Trong khi đó, Phan Ngô Thiện đoạt HCĐ hạng 60kg, Nguyễn Su Bin đoạt HCĐ hạng 48kg và Nguyễn Thị Hồng Linh đoạt HCĐ hạng 54kg. Giải năm nay có gần 400 VĐV trong cả nước, các VĐV thi đấu ở nội dung vật cổ điển và vật tự do ở 2 nhóm tuổi (từ 14 đến 15 tuổi và từ 16 đến 17 tuổi), với 42 hạng cân.
Tre chưa già và măng đã mọc
Danh sách các VĐV nữ có huy chương tại Giải vô địch các CLB vật bãi biển xướng tên 3 chị em Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (HCV), Nguyễn Thị Mỹ Trang (HCB) và Nguyễn Thị Mỹ Linh (HCĐ). Đây là một trường hợp đặc biệt và là niềm tự hào của thể thao nói chung và bộ môn vật Thừa Thiên Huế nói riêng. Chuyện rằng, dù mới hơn 10 tuổi nhưng khi nghe tuyển vật Huế về tuyển quân, Mỹ Hạnh đã mạnh dạn đăng ký và lập tức được nhận vào đội tuyển vật xứ Huế. Nối gót người chị, khi vừa lên 10 tuổi, Mỹ Trang cũng được tuyển chọn vào tuyển vật Huế. Rồi, theo chân hai chị gái, Mỹ Linh (sinh năm 2003) cũng được chọn vào tuyển vật Huế khi mới 11 tuổi.
Những năm gần đây, ba chị em này cứ mỗi lần lên sới vật là liền có ngay huy chương. Hai cô chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và Nguyễn Thị Mỹ Trang đang là đương kim vô địch SEA Games ở 2 kỳ liên tiếp. Cô em Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng cho thấy không hề quá thua kém với một bảng thành tích huy chương đáng mơ ước ở lứa tuổi của mình. Gia đình “họ nhà vật” nổi tiếng ở Quảng Điền này còn có thêm cô em Nguyễn Thị Mỹ Tiên (sinh năm 2005) đang là VĐV rất triển vọng.
Thành tích của môn vật Thừa Thiên Huế tại Giải Vô địch các lứa tuổi trẻ vật tự do, vật cổ điển toàn quốc năm 2023, dành cho các đô vật có tuổi đời còn rất trẻ, dưới 17 tuổi cho thấy một tương lai tươi sáng. Nội dung môn vật nữ xếp thứ 2 toàn đoàn với danh sách dài các gương mặt trẻ bước lên bục nhận huy chương là một sự tiếp nối xứng đáng bậc đàn chị nếu được đầu tư thỏa đáng. Điều đáng nói nữa là, bên cạnh nội dung vật nữ đã khẳng định được vị thế thì bộ môn vật nam cũng đã bắt đầu lên tiếng để kịp thi đua cho bằng chị bằng em.
Ba tấm HCĐ của các đô vật Phạm Văn Có, Nguyễn Văn Quảng và Phạm Phước Rin tại Giải vô địch các CLB vật bãi biển lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam được xem là một tín hiệu vui. Mới đây, trả lời câu hỏi của chúng tôi về những niềm hy vọng mới của bộ môn vật Thừa Thiên Huế, ông Đinh Văn Kiên, Trưởng bộ môn vật của tỉnh, đã nhắc tới cái tên Phạm Phước Rin mà theo ông, cùng với Nguyễn Thị Mỹ Tiên, đây là VĐV kỳ vọng sẽ kế vị xứng đáng thành tích của các bậc đàn chị Mỹ Hạnh và Mỹ Trang.
Đôi điều suy nghĩ
Nghị quyết về việc phát triển phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của HĐND tỉnh khóa VI, kỳ họp thứ 11 xác định nhiệm vụ phải tạo bước đột phá mạnh mẽ về thể thao thành tích cao; trong đó, tập trung đầu tư trọng điểm phát triển các môn có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Nghị quyết của HĐND tỉnh cũng xác định chọn các môn vật cùng với điền kinh, cờ vua, taekwondo, karatedo, bơi - lặn là các bộ môn thể thao trọng điểm nhóm 1 cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Nhắc lại câu chuyện 3 chị em ruột trở thành báu vật của tuyển vật để thấy rằng, một trong những khâu góp phần quyết định đến chất lượng đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao là công tác tạo nguồn, tuyển chọn VĐV của bộ môn vật Thừa Thiên Huế. Đây là quá trình tìm kiếm và sàng lọc để chọn ra những VĐV có khả năng đạt thành tích thể thao cao. Quá trình này phải tiến hành thường xuyên từ khâu tuyển chọn ban đầu và trong suốt quá trình đào tạo. Đó cũng chính là kết quả của tuyển vật Thừa Thiên Huế đã và đang đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao.