Thể thao

Về Huế đi bơi

ClockChủ Nhật, 17/09/2023 09:18
TTH - Cùng với đi bộ, nhiều người Huế đang chọn bơi làm môn thể thao, vừa để thư giãn và cũng là để luyện tập, nâng cao sức khỏe.

Hiệu quả từ đầu tư cho bơi lội ở Hương TràBơi lặn - “táo vẫn còn xanh”Môn bơi về nhì, giảm huy chương nhưng có niềm hy vọng mới

 Bơi ở các bể bơi chất lượng cao là lựa chọn của nhiều người dân ở Huế

Bơi trong bể

Mấy năm trước, ở cái tuổi ngoài 55, ông Lê Năm ở An Cựu (TP. Huế) gác vợt cầu lông chuyển sang… đi bơi. Dạo một vài vòng quanh các bể bơi, cuối cùng ông quyết định chọn bể bơi của Trung tâm Thể thao dưới nước ở số 2 Lê Quý Đôn khi đây vừa làm dịch vụ, vừa là cơ sở tập luyện của VĐV nên bảo đảm an toàn. 

Quyết chọn đi bơi, ông Năm sắm đầy đủ các mũ, kính và quần bơi loại sang. Ban đầu ông mua vé ngày, sau đó mua luôn vé tháng để như ông nói là có thêm động cơ để siêng đi bơi hơn. Về hưu, không còn bận rộn công việc nên ông đi bơi suốt tuần, ban đầu bơi vào buổi chiều sau chuyển sang buổi sáng cho sạch và ít người. Ông bơi không nhanh và mạnh nhưng “khá bền”, nhảy xuống bể 50 m là bơi liên tục cho đến khi chuông bấm hết giờ mới nhảy lên bờ… nghỉ. Ông bảo, đi bơi về ăn ngon, ngủ khỏe, ít nhức mỏi, cái bệnh vai gáy cũng giảm nhiều.

Thời gian gần đây, đáp ứng cho nhu cầu bơi và tập bơi đang rất phát triển, nhiều bể bơi đã được xây dựng ở cả 2 bờ bắc và nam sông Hương. Ngoài một số bể bơi cố định mà tiêu biểu là các bể bơi công lập thuộc Trung tâm Thể thao dưới nước kể trên, hay của nhiều trường học như Trường THPT chuyên Quốc Học, đã có thêm cả trăm bể bơi cố định và cả di động ở trong các khách sạn cũng như bên ngoài. Nhiều khách sạn có bể bơi lớn còn mở dịch vụ bơi và tổ chức các khóa dạy bơi cho người có nhu cầu.

Tại khu bể bơi ở một khách sạn, tôi gặp chị Nguyễn Thị Hậu có nhà ở tận Hương Thủy, cách bể bơi cả chục cây số. Chuyện trò chị bảo, bước vào hè là chị chở hai con, cháu gái học lớp năm và cháu trai lớp một đi học bơi ngay. Chị đã tìm hiểu kỹ và được biết bể bơi này tuy giá hơi đắt một tý nhưng sạch sẽ và an toàn.

Ra sông và về biển

Không bằng lòng với không gian “chật hẹp” của những bể bơi nhân tạo, gần đây nhiều người Huế mà đặc biệt giới trẻ đã tìm ra sông Hương để bơi. Thói quen bơi sông là của không ít người Huế. Dòng sông mỗi sáng, mỗi chiều vẫn đón hết lớp này qua lớp khác với những “bến” tắm dọc hai bờ sông. Sự phát triển của hệ thống bể bơi rộng khắp và đa dạng đã giúp giảm tải phần nào cho các bến sông.

Cũng như ông Lê Năm, nghỉ hưu, chị Đặng Thị Diệu Mai chọn bơi làm môn thể thao tập luyện. “Chê” hồ bơi tù túng và vệ sinh không như ý, hè này chị quyết ra bơi ở sông lớn Hương giang. Dù bơi khá tốt nhưng không chủ quan, chị sắm thêm chiếc phao tay để bơi được xa và tránh được rủi ro. Chị Mai cho biết: Mình chọn bơi ở sông Hương, nước sông xanh và trong, bơi rất thoải mái. Khi bình minh lên, mặt trời ló dạng cũng là lúc sông Hương tuyệt đẹp hơn bao giờ hết, nên có thêm cái thú ngắm nhìn quang cảnh đẹp của sông và có được cảm giác hòa mình vào thiên nhiên.

Mới đây vào chiều muộn, tôi có dịp đi qua khu vực bến Me và được chứng kiến hàng trăm người, có đủ già, trẻ, gái, trai đang vui đùa tắm sông. Rất nhiều người trong số họ cẩn thận mang theo áo phao, lốp xe và cả can nhựa nữa để ra sông Hương bơi. Hàng chục năm qua, bến Me là bãi tắm công cộng. Gần đây, chính quyền thành phố đã cho xây dựng một cầu bán nguyệt như một bể bơi ngoài trời để thuận lợi vào đảm bảo cho mọi người có sở thích và thói quen tắm sông Hương.

Còn nữa, có thêm một sự lựa chọn là tắm biển. Mới đây thôi, anh bạn cùng xóm bất ngờ rủ tôi buổi sáng dậy sớm tý, đi xe máy về Thuận An tắm biển. Ban đầu do dự và ngại. Đi rồi mới hay, đoạn đường từ trung tâm thành phố về bãi biển Thuận An không xa, chỉ khoảng chừng 30 phút là đến. Buổi sáng chủ nhật đẹp trời, thật bất ngờ khi trước mắt tôi dễ chừng có đến cả ngàn người đang tắm. Hơn một tiếng đồng hồ vẫy vùng với sóng biển, nán lại thưởng thức tô cháo bò béo ngậy, làm thêm lý cà phê sáng, chưa quá 8 giờ là chúng tôi đã có mặt ở nhà.

Vĩ thanh

Cũng hiếm có thành phố nào như ở Huế có sông, biển đủ đầy để mọi người yêu thích môn thẻ thao này có thể tự do lựa chọn cách bơi phù hợp.

Không phải vô cớ mà bơi bể nhân tạo tốn tiền lại được nhiều người lựa chọn, đặc biệt dành cho trẻ nhỏ. Ở đó, có điều kiện đảm bảo an toàn và nằm trong tầm mắt của những người quản lý chuyên nghiệp có trách nhiệm nên người bơi có thể an tâm. Điều đáng nói, bên cạnh đội ngũ cứu hộ phải được đào tạo và tập huấn bài bản là tiêu chuẩn nước trong hồ bơi, nếu không có hệ thống lọc tuần hoàn đúng kỹ thuật thì rất khó có chất lượng an toàn, điều này về lâu dài có khả năng gây bệnh cho người bơi.

Trong khi đó, bơi trên sông Hương vốn là hành động tự phát, kể cả các bến tắm dọc sông cũng là do người dân đi nhiều rồi tự gọi chứ không hề có đơn vị hay doanh nghiệp nào thành lập, nên việc quản lý khá khó khăn. Ngày 11/5/2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 959/QĐ - UBND về quy chế quản lý bến tắm biển, sông hồ trên địa bàn. Tuy nhiên, từ thực tế như ở bến Me, nơi có đoạn sông đẹp nhất với nhiều điểm tắm, thu hút khá đông người bơi, chính quyền địa phương đã làm biển cảnh báo nước sâu, nguy hiểm tại bến. Thế nhưng, đó cũng là tất cả những gì có thể làm để nhắc nhở, chứ khó có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người đi bơi, nếu họ không có ý thức giữ gìn. 

Lại nữa, mùa mưa cũng đang chuẩn bị đến. Để có thể duy trì hoạt động bơi lội thường xuyên, Huế cần có những hồ bơi có nước ấm. Vậy nhưng, xem chừng đó lại là câu chuyện khó tìm được lời giải trước mắt.

Bài, ảnh: Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật

Ngày 20/4, tại xã Vinh Thanh (Phú Vang), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật. Tham dự tại có Đại diện văn phòng RCI cùng hơn 50 người khuyết tật và người chăm sóc trên địa bàn các xã Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Hà và Phú Gia.

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật
Chạy vì những ngôi trường xanh

Từ những bước chạy để rèn luyện sức khỏe gắn với ý tưởng phủ xanh bóng cây ở các ngôi trường, hàng ngàn cây xanh đã được trồng mới với chương trình “Chạy vì những ngôi trường xanh”.

Chạy vì những ngôi trường xanh
Bóng đá ở làng

Từ trẻ em đến người lớn, từ cánh mày râu đến chị em phụ nữ, trái bóng tròn đã gắn kết tình làng nghĩa xóm, nâng cao tinh thần thể dục thể thao tại thôn Giáp Kiền (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà).

Bóng đá ở làng
Return to top