Đòn đánh đẹp mắt của VĐV trẻ Dương Văn Quốc
Chặng đường 15 năm
So với nhiều môn võ cổ truyền, Vovinam - Việt võ đạo có tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1938, dựa trên nền tảng môn vật và võ dân tộc cùng với kế thừa những tinh hoa võ học của thế giới, võ sư Nguyễn Lộc đã sáng tạo nên môn phái Vovinam ở Hà Nội. Khi võ sư Nguyễn Lộc qua đời, đệ tử chân truyền của ông là võ sư Lê Sáng đã nối tiếp và phát triển Vovinam ở miền Nam và dần dần vươn ra, trở thành một môn võ được đông đảo bạn bè khắp năm châu mến mộ.
Ở Thừa Thiên Huế, mãi đến năm 2007, bộ môn Vovinam mới được thành lập. Chuyện về môn võ Vovinam trên đất Huế gắn liền với cái tên Lê Bá Thương. Anh còn khá trẻ, sinh năm 1981. Thương mê nên từ lớp 7 đã học võ. Năm 2003, thi đậu chuyên ngành võ thuật Trường đại học Hồng Bàng, cơ duyên đã đưa Thương đến với Vovinam. Bốn năm miệt mài với từng thế võ, bài quyền, ra trường Thương quyết định mang Vovinam về Huế. Nghe bảo, lúc đầu chiêu sinh mở lớp, Thương và học trò phải đạp xe len lỏi vào tận ngõ ngách, kiệt hẻm để treo áp phích, phát tờ rơi.
Thời gian đầu mới ra đời, bộ môn Vovinam ở Thừa Thiên Huế chỉ có 2 huấn luyện viên và 50 học viên. Năm 2017, với sự phát triển lớn mạnh về chất lượng, số lượng và phong trào, Hội Vovinam tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức được UBND tỉnh thành lập. Hội Vovinam Thừa Thiên Huế hiện là thành viên của Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã phát triển rộng khắp với 16 câu lạc bộ tại địa bàn của 5 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; với đội ngũ nhân lực, gồm 1 võ sư, hơn 50 huấn luyện viên, hướng dẫn viên và hơn 1.000 môn sinh.
Bộ sưu tập đáng nể
Từ chỗ chỉ tham gia các kỳ thi thăng cấp trung đẳng khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong các năm từ 2007 - 2018; đến năm 2019 và 2020, Hội Vovinam Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức kỳ thi trung đẳng tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy tuổi đời con non trẻ, nhưng Vovinam Thừa Thiên Huế cũng đã có được một bộ sưu tập huy chương đáng nể. Tổng cộng từ năm 2010 đến 2019, Vovinam Thừa Thiên Huế đã có được 2 HCV, 8 HCB và 42 HCĐ tại các giải toàn quốc và khu vực. Tại Giải vô địch trẻ Vovinam toàn quốc năm 2020, Vovinam Thừa Thiên có 7 VĐV tham gia và đạt 1 HCV, 1 HCĐ. Giải vô địch trẻ Vovinam toàn quốc năm 2022, Vovinam Thừa Thiên có 10 VĐV tham gia, đạt 1 HCB và 4 HCĐ.
4 gương mặt tiêu biểu cho Vovinam Thừa Thiên Huế hy vọng sẽ gặt hái nhiều thành tích cao
Nhiệm vụ hàng đầu của Hội Vovinam Thừa Thiên Huế là xây dựng và đào tạo lực lượng vận động viên chuẩn bị cho các giải đấu quốc gia. Võ sư Lê Bá Thương, Chủ tịch Hội Vovinam - Việt Võ Đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, đầy tự hào khi điểm mặt những gương mặt ưu tú hiện tại của Vovinam Thừa Thiên Huế. Đó là Hồ Đắc Minh Khanh, VĐV cấp tỉnh xuất sắc nhất vừa đạt 2 HCV giải Đại hội TDTT tỉnh; Nguyễn Bùi Như Huy, VĐV vừa đạt 2 HCV cấp tỉnh và HCB cấp quốc gia; Dương Văn Quốc cùng đạt 2 HCV Đại hội TDTT tỉnh và HCB giải trẻ vô địch Quốc gia. Theo ông Thương, Nguyễn Bùi Như Huy, Dương Văn Quốc, Huỳnh Bá Thành Đạt và Đỗ Thanh Tâm là 4 gương mặt tiêu biểu tỉnh đang có định hướng đào tạo, hy vọng trong tương lai sẽ gặt hái nhiều thành tích cao hơn cho Vovinam Thừa Thiên Huế. Cả 4 em này vừa đạt HCB Quốc gia...
Xây dựng hình ảnh
Mới đây, trong lần gặp tôi, ông Lê Bá Thương báo tin, lần đầu tiên Vovinam nằm trong chương trình Đại hội thể dục thể thao của tỉnh và cũng tại đại hội lần này, có 430 võ sinh Vovinam được mời tham gia biểu diễn tại lễ khai mạc. Trước đó vào năm 2018, Hội Vovinam Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh với bộ môn Vovinam. Năm 2019, Vovinam Thừa Thiên Huế đã thi đấu tại hội thao Quân khu IV và phối hợp tổ chức Giải Vovinam sinh viên toàn quốc lần II tại Huế.
Bây giờ thì người Huế đã có thể tự hào về Vovinam. Không chỉ dừng lại ở thành tích, sự phổ biến sâu rộng ở địa phương với sự ra đời của các câu lạc bộ và các lớp võ, mà còn sự quan tâm đặc biệt của xã hội dành cho môn võ này. Kể từ ngày thành lập đến nay, Hội Vovinam Thừa Thiên Huế đã tham gia công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Vovinam thông qua các buổi biểu diễn do địa phương, các ban ngành, đoàn thể tổ chức; phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về bạo lực học đường; bạo lực gia đình; bình đẳng giới; xâm hại trẻ em tại các trường học, cơ quan trên địa bàn tỉnh (trung bình 30 buổi/năm).
Đáng nói là, Hội Vovinam Thừa Thiên Huế đã có hướng đi đúng khi phối hợp Sở Du lịch và các công ty du lịch, lữ hành xây dựng đề án tour tham quan, biểu diễn, trải nghiệm môn võ Vovinam theo chủ đề Võ Việt - Văn hóa Việt đối với các du khách trong và ngoài nước có nhu cầu trong thời gian tham quan và du lịch tại Thừa Thiên Huế. Còn về lâu dài, đưa bộ môn Vovinam vào trường học là môn giáo dục thể chất tự chọn tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm tạo nguồn VĐV các cấp là một hướng đi cần được khuyến khích, nhân rộng.
Bài, ảnh: BÁ TRÍ