ClockThứ Sáu, 24/01/2014 11:09

Thời khắc phát hành bộ tem Kỷ niệm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

TTH - Việc xin chữ ký của một nhân vật, một người nổi tiếng để lưu niệm trong một sự kiện nào đó đã trở thành hoạt động văn hóa khá phổ biến trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc xin cho được chữ ký của một đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong những dịp phát hành đặc biệt các bộ tem bưu chính, ký tặng ngay trên các ấn phẩm tuyên truyền của tem bưu chính ngay sau thời điểm công bố phát hành bộ tem sẽ là một dấu ấn khó quên đối với giới chơi tem.

Tất cả cùng một tấm lòng hướng về Đại tướng

Thông thường, các ấn phẩm kèm theo để tuyên truyền cho một bộ tem trước khi phát hành gồm bưu thiếp (maxicard), phong bì phát hành ngày đầu tiên (FDC), dấu phát hành đặc biệt. Với bộ tem “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967)”, các sản phẩm mà Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát hành gồm một phong bì FDC có tem, dấu phát hành đặc biệt và một khối bốn con tem chân dung của đại tướng trên nền cầu Trường Tiền soi bóng Hương Giang thơ mộng (quê hương Đại tướng). Còn có các ấn phẩm mà gia đình Đại tướng đã đặt in và mang đến làm quà tặng trong dịp lễ phát hành đặc biệt. Ngoài ra, nhiều câu lạc bộ sưu tập tem trên cả nước đã chuẩn bị các ấn phẩm để giới thiệu và thực hành tác nghiệp. Đó là những ấn phẩm mà giới sưu tập tem sử dụng để xin chữ ký của những nhân vật VIP trong lễ phát hành đặc biệt các bộ tem.

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh tại lễ phát hành đặc biệt bộ tem nhân 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.Ảnh: Internet

Lễ phát hành bộ tem diễn ra tại thành phố Huế với sự tham dự của các đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Bộ Chính trị; Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TT&TT; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh…Vì lẽ đó, dân sưu tập tem khắp cả nước, từ Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang… đã không quản khó khăn, tìm đủ mọi cách để tiếp cận và xin chữ ký tặng trên các vật phẩm tem. Họ đã có mặt tại thành phố Huế từ ngày 30/12/2013 để chờ đợi sự kiện đặc biệt khi bộ tem được công bố phát hành vào lúc 9g30 sáng ngày 31/12/2013.

Còn nhớ, tháng 5/2013, một nhóm họa sỹ của Ban Tem, thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam gồm 5 người, do họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn dẫn đầu đã vào Huế đi thực tế sáng tác các mẫu phác thảo tem. Tại nhà hàng Vườn Ai ở đường Nguyễn Sinh Cung (thôn Vỹ), họa sĩ Tô Minh Trang đã bật laptop cho tôi xem những hình ảnh phác thảo về bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang chờ Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt.

Vốn dĩ đã có kinh nghiệm trong lần phát hành đặc biệt bộ tem Cầu Mái Ngói, tôi hỏi anh Dương Văn Hà – Giám đốc Bưu điện tỉnh:

- Vì sao mình không tham mưu cho tỉnh đề nghị Bộ TT&TT cho phát hành tại Huế?

Cả nhóm ồ lên:

- Đúng đấy, tại sao lại không phát hành ngay trên quê hương của Đại tướng mà lại phát hành tại Hà Nội?

Họa sĩ Nguyễn Du, người thiết kế bộ tem Cầu Mái Ngói phát hành năm 2012 “bật mí” thêm:

- Nếu bộ tem này phát hành đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng thì có ý nghĩa chính trị rất lớn.

Ngay sáng hôm sau, tôi trao đổi với anh Lê Sỹ Minh – Giám đốc Sở TT & TT Thừa Thiên Huế về câu chuyện hôm qua. Anh Minh rất ủng hộ, phân công tôi soạn thảo văn bản trình Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương về việc đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với tỉnh tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng tại thành phố Huế.

Sau khi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đồng chí Trần Thanh Bình – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đề xuất nói trên cơ bản được chấp nhận. Về thời gian phát hành bộ tem, nếu phát hành đúng ngày sinh của Đại tướng (01/01/2014) thì đúng vào ngày Tết dương lịch. Trong lúc đó, Lễ Kỷ niệm trọng thể 100 năm ngày sinh của Đại tướng lại diễn ra vào sáng ngày 31/12/-2013 với sự có mặt của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tại sao ta không đề nghị Bộ TT&TT chuyển lại vào ngày 31/12/2013, đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.

Tiếp thu ý kiến của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi tranh thủ báo cáo và xin ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Bộ TT&TT và nhận được sự ủng hộ rất cao.

Ngay sau khi có Kế hoạch số 48/KH-TU ngày 20/8/2013 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về Kế hoạch tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bộ TT&TT đã có văn bản đồng ý theo đề nghị của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Đó là lý do bộ tem được phát hành tại thành phố Huế và phát hành sớm hơn một ngày so với quyết định ban đầu của Bộ TT&TT.

Xin chữ ký đồng chí Lê Khả Phiêu

Trước khi chương trình phát hành tem chính thức bắt đầu, tôi được phân công đứng phía bên cánh trái của tiền sảnh Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế để đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ngồi vào các vị trí trang trọng nhất của buổi lễ. Đúng 9 giờ 30 phút, lễ phát hành tem bắt đầu. Trong lúc đang lúng túng tìm vị trí ngồi cho thích hợp thì chị Lan Phương – Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh nắm tay tôi kéo giật lại: - ông cứ ngồi xuống đây, chỗ này tiện quay phim, chụp ảnh.

Cẩn thận, tôi liếc quanh ở hàng ghế thứ hai và các hàng ghế sau đại biểu đã ngồi đâu vào đấy, thôi thì cũng liều vì không còn chỗ ngồi nào khác. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên trong đời tôi được ngồi gần các đồng chí lãnh đạo Đảng, ngồi ở sau lưng bác Lê Khả Phiêu và bác Lê Hồng Anh, có lẽ chưa ai có niềm vui và hồi hộp nào như tôi.

Buổi lễ bắt đầu được 5 phút, tôi cố nhích lên phía trước, cố làm sao để nói cho vừa đủ bác Lê Khả Phiêu nghe:

- Thưa bác, cháu xin bác chữ ký trên ấn phẩm tem ạ.

- Đâu, ký vào đâu?

Tôi run run chìa tấm bìa cài tem. Bác Phiêu lại hỏi:

- Bút đâu? Tớ không có bút.

Tôi rút cây bút kim trong túi, hai tay đưa cho bác. Mới ký được một chữ ký trên phong bì thì bút hết mực! Bác trả lại cây bút cho tôi. Thật là xui xẻo! Rất may anh Dương Tuấn Anh (Giám đốc VNPT) chuyển qua cho tôi cây bút khác kèm theo một tập khoảng 5 bìa cài tem xin bác chữ ký. Tôi sắp xếp thật gọn, nín thở… xin bác ký lần nữa.

Tất cả các ấn phẩm từ tôi và chị Lan Phương ngồi phía sau đưa lên, bác Phiêu đều vui vẻ ký và ghi rõ họ tên của mình. Còn một người nữa, đó là bác Lê Hồng Anh, không biết nói thế nào đây.

Như hiểu ý mấy anh chị em chúng tôi ngồi đằng sau, bác Phiêu vỗ nhẹ vào vai bác Anh nhắc ký tặng cho các đồng chí ở Huế. Và lần này, các ấn phẩm lại được chuyển lên ở vị trí của bác Anh, bác ký và ghi rõ họ tên trên những ấn phẩm cho từng người.

Tôi chỉ mới là người nhập môn trong số những người yêu thích tem, chưa phải ở đẳng cấp của những người chơi tem hay cao hơn nữa là những nhà sưu tập tem, nhưng với tôi tiếp cận và xin được chữ ký của các đồng chí lãnh đạo Đảng có tầm ảnh hưởng lớn như bác Lê Khả Phiêu, bác Lê Hồng Anh… trên các ấn phẩm tem bưu chính quả thật là niềm hạnh phúc nhớ đời, đặc biệt là sự dung dị, gần gũi rất đời thường của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thật sự là ấn tượng không bao giờ quên đối với tôi.

Đức Hùng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

TIN MỚI

Return to top