ClockThứ Ba, 18/02/2020 09:49

“Thư tay, tin được không”

TTH - Cô gái nói điều ấy với bạn, khi những ngón tay mềm mại vẫn lướt đi trên khuôn mặt tôi. “Rứa a?” là tiếng của cô gái ngay bên cạnh, cũng đang bận rộn với những tiếng vỗ nhè nhẹ. Họ còn trẻ, và đang kể với nhau câu chuyện về ngày 14/2.

Lưu giữ tình yêu

Dù không cố ý, nhưng chuyện của hai cô gái, có lẽ bằng hoặc nhỉnh hơn con gái đầu chút xíu vẫn lan vào tôi trong không gian bé xíu, với tiếng nhạc rất nhỏ vọng ra từ góc phòng. “Em ngạc nhiên dễ sợ. Lâu chừ mới đọc được thư tay luôn. Thì trong nớ cũng là tỏ bày, chúc valentinday đồ rứa… Em đọc mà không biết nên nói răng luôn. Thiệt, lâu chừ có khi mô nói điều chi bằng chữ trên giấy mô. Nhắn FB, zalo khỏe re. Khi gặp lại, anh nớ hỏi em răng không hồi đáp, em à ừa cho có rồi nói đang suy nghĩ…”

“Ngôn tình hỉ - cô gái bên cạnh nói – chị e từ khi đi học đến chừ chưa nhận được thư tay mô cả. Mà đúng là có chi thì nhắn luôn, hoặc gọi nói luôn cho khỏe. Thời mô rồi trời? Ờ nhưng lâu lâu có chi là lạ rứa cũng vui..”

Tôi thả trôi vào tiếng nhạc phát ra từ góc tường, rồi tự mình bận rộn khi nghĩ, con gái mình cũng như các cô gái này, toàn kết nối qua điện thoại. Có lẽ đó cũng là điều giải thích cho một sự thay đổi, thậm chí là delete luôn một cầu nối giữa mọi người ở mọi không gian, thời gian và biên độ bằng cách gửi đi một lá thư. Đương nhiên là cách thức của hiện tại đang thắng, khi mọi thứ được giao tiếp ngay và luôn. Kể cả những trạng thái cũng được thay thế bằng những nhãn dán buồn vui giận hờn và hơn cả thế. Không biết còn bao nhiêu % những người trẻ chạm đến cảm xúc khi đọc những câu chữ được gửi đến mình bằng con chữ trên giấy? Không biết chúng có làm các bạn ấy ngạc nhiên như hai cô gái ở spa? Bao nhiêu người sẽ nói “rảnh hỉ” hoặc “rỗi hơi”, “vẽ chuyện”?

Mà người ẩn danh – cậu trai ẩn danh trong câu chuyện của hai cô gái – theo tôi thật dễ thương. Dễ thương ngay cả khi đó là một phút ngẫu hứng, hoặc là cách mà cậu đã chọn để bày tỏ, chia sẻ tình cảm với người mà cậu thương. À nhưng mà những điều đó chỉ thuộc về chúng tôi, những người đã vào tuổi trung tuần với những năm tháng mà gần như mọi thứ đều được thể hiện bằng câu chữ được ghi trên giấy.

Về nhà khi đã tối muộn, cô con gái đang học cuối cấp ngẩng lên chào, hỏi han dăm ba câu, dọn cơm cho mẹ rồi vừa ngồi cạnh mẹ, vừa hý hoáy trả lời tin nhắn trong nhóm chat. Hỏi con có biết cách biên thư không, con gái hơi đứng hình rồi nhoẻn cười: “Cơ bản được, mẹ. Mà không rành thì con lên hỏi Google. Nhưng mẹ hỏi cho vui rứa thôi chớ bây chừ có ai gửi thư cho nhau đâu mẹ. Ví như con chịu khó đi nữa, chắc cũng không ai trả lời con mô. Có khi chúng lại buôn chuyện cho nhau về cái sự rảnh á mẹ..”.

Nguyễn Hà Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực

Đứng lớp dạy nấu ăn cho những người yếu thế trong xã hội, hay khi hướng dẫn cho các chuyên gia tìm hiểu về ẩm thực Huế, chị Lê Thị Thanh Hương (TP. Huế) luôn làm việc bằng một tình yêu say mê với ẩm thực. Không chỉ tận tâm giúp những người có hoàn cảnh thay đổi chất lượng cuộc sống, chị Hương còn tích cực lan tỏa văn hóa ẩm thực của quê hương đến với bạn bè quốc tế.

Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực
Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

Trên những cánh đồng lộng gió mùa hè, một số nơi nông dân tranh thủ gặt lúa, gom lúa, trực canh lúa. Không khí mùa màng khi đêm về náo nức, rộn ràng không kém ban ngày.

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm
“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Return to top