ClockThứ Hai, 11/04/2016 14:06

Thu tiền tỷ từ chăn nuôi

TTH - Trong dịp về Quảng Vinh cuối tuần qua, chúng tôi được dịp ghé thăm trang trại ông Nguyễn Thuận, một trong những trang trại trên vùng rú cát làm ăn có hiệu quả với doanh thu hàng năm từ 3 đến 4 tỷ đồng.

Sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo Quảng Lợi, ông Nguyễn Thuận vẫn một nắng, hai sương bám lấy ruộng vườn. Đất chật, người đông, gia đình neo người, trong tay chỉ có vài ba sào ruộng nên dù lam lũ suốt ngày cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Năm 2005, sau khi huyện có chủ trương khuyến khích người dân lên vùng cát lập nghiệp, ông bàn với vợ, xem xét địa hình địa thế, lên kế hoạch phát triển kinh tế rồi xin xã, huyện cấp đất vùng rú cát Quảng Vinh làm trang trại.

Ông Nguyễn Thuận chăm sóc đàn gà

Vốn ít, thiếu kỹ thuật cộng với môi trường vùng rú cát khắc nghiệt, nhiều mô hình áp dụng đều thất bại, vốn liếng vì thế cũng kiệt dần. “Tôi đã từng nghĩ sẽ từ bỏ vùng rú cát này về với quê cũ. Lên đây chỉ toàn cát và cỏ tranh, cây bụi, nắng bỏng mắt, bỏng chân, mưa thì đường sá lầy lội, muốn đi chợ “còn” khó chứ đừng nói đến chuyện đưa sản phẩm ra bên ngoài bán. Chưa kể, điện thiếu, nước sạch thì không có, gia đình chủ yếu vẫn sử dụng nước giếng, nước từ hồ nuôi cá để phục vụ cuộc sống, chăn nuôi. Nhưng rồi vợ con cứ động viên, chính quyền địa phương cũng quan tâm tạo điều kiện nên gia đình mới vững tâm phát triển và có cơ ngơi như ngày hôm nay”, ông Thuận nhớ lại.

Để phát triển lâu dài và bền vững, ông quyết tâm tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, theo học lớp thú y cơ sở, tự tìm tòi thêm trên sách, báo những mô hình hay có thể áp dụng tại địa phương. Ban đầu vốn ít nên khi lựa chọn mô hình, ông chỉ dám chăn nuôi nhỏ lẻ với hơn trăm con gà, vài con lợn. Rồi ông tiếp cận với ngân hàng xin vay vốn, với số vốn được vay ban đầu 10 triệu đồng, ông đầu tư thêm chuồng lợn, mua thêm con giống.

Dẫn chúng tôi thăm khu vực chăn nuôi gà thả vườn, ông Thuận tâm huyết: Chăn nuôi gà, lợn không khó, chỉ cần đảm bảo an toàn phòng dịch là được. Ngoài việc tiêu khử độc khử trùng theo định kỳ của trạm thú ý, mỗi tháng gia đình còn tiến hành vệ sinh chuồng trại 3 lần, xử lý vôi quanh khu vực nuôi nhốt. Ngoài ra, trang trại còn áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhờ đó, nhiều năm liền, không xảy ra dịch bệnh lớn ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi.

Hiện nay, trang trại ông Thuận đang thả nuôi gần 7.000 gà thả vườn, 100 lợn siêu nạc, 50 lợn lai F1 và 10 heo nái. Để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, ông đầu tư mua máy xay xát thức ăn cho vật nuôi. Từ những hạt ngô khô thu mua tại địa phương, qua máy nghiền thành cám ngô, trộn chung với một số chất bổ trợ, ông Thuận đã chủ động sản xuất thức ăn phục vụ chăn nuôi, không thua kém gì các sản phẩm thức ăn công nghiệp bán trên thị trường. Theo tính toán, mỗi 1kg thức ăn tự chế giảm được hơn 1 ngàn đồng so với các loại thức ăn chăn nuôi được chế biến sẵn bán trên thị trường. Như vậy, chỉ tính riêng tiền thức ăn, mỗi tháng, gia đình cũng tiết kiệm được trên chục triệu đồng.

Ông Thuận tự hào: “Nếu ngày trước mới vào lập nghiệp, chúng tôi vay 10 triệu đồng ngân hàng cũng ngần ngại thì giờ đây, nhân viên ngân hàng lại thường xuyên mời chúng tôi tham gia vay vốn với mức thế chấp lên tới 1 tỷ”. Vừa nói, ông vừa dẫn chúng tôi thăm cơ ngơi mới được đầu tư hơn 1 tỷ đồng, ông cười, “nhờ làm trang trại cả đó cô, chú ơi”.

Hiện nay, ông Thuận đang ấp ủ kế hoạch phát triển thêm mô hình nuôi rắn mối thương phẩm, mở rộng thêm cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của trang trại này chính là nguồn điện 1 pha không đủ đáp ứng cho máy xay xát hoạt động. Vừa rồi, trong buổi gặp mặt với các chủ trang trại rú cát của lãnh đạo huyện, ông Thuận đã kiến nghị huyện và các cơ quan liên quan cần đưa hệ thống điện 3 pha lên khu vực này nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của người dân.

Từ 100 con gà, vài con lợn đến nay mỗi năm trang trại ông Thuận  suất ra thị trường hơn 21.000 con gà thịt, gần 500 lợn siêu nạc và lợn F1, với doanh thu mỗi năm xấp xỉ 4 tỷ đồng. Lợi nhuận thu được cũng đạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho lao động gia đình và địa phương.

Bài, ảnh: Hoàng Thảo Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Anh Noh chăm chỉ

Chăm chỉ học hỏi và áp dụng kiến thức, anh Viên Đăng Noh ở thôn A chi Hương Sơn, xã A Roàng, A Lưới thực hiện và phát triển mô hình nuôi dê bán chăn thả khá thành công…

Anh Noh chăm chỉ
Chăn nuôi hữu cơ, an toàn dịch bệnh

Trong điều kiện dịch bệnh đang hoành hành thì chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), hữu cơ là hướng đi tất yếu đối với các tổ chức, hộ cá nhân.

Chăn nuôi hữu cơ, an toàn dịch bệnh
Return to top