ClockThứ Bảy, 13/08/2016 05:56
GAME POKÉMON GO ĐẾN HUẾ:

Thú vui và nguy hiểm rập rình

TTH - Sau các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… trò chơi nổi tiếng thế giới Pokémon Go đã xuất hiện tại TP. Huế.

Những tai nạn hy hữu khi chơi Pokemon GoMã độc giả dạng Pokemon Go! tăng mạnh

Các bạn trẻ mỗi người một chiếc điện thoại đi tìm Pokémon Go tại công viên dưới chân cầu Trường Tiền (đường Lê Lợi, TP. Huế)

 

Đổ xô săn Pokémon

“Nhanh lên, nhanh lên… Bắt được rồi”, Vĩnh Hoàng (sinh viên một trường ĐH trên địa bàn TP. Huế) hét lên sau khi phát hiện Pokémon trên màn hình cảm ứng của điện thoại. Mặc cho nắng nóng, hàng trăm bạn trẻ chủ yếu là học sinh, sinh viên tụ tập ở công viên dưới chân cầu Trường Tiền (đường Lê Lợi), dọc phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu để “săn” Pokémon. Thời điểm đông nhất khoảng từ 5g chiều đến 9g tối khiến điểm dạo chơi, chụp hình này trở thành “game trường” .

Hoàng kể, biết trò chơi này khi nó trở thành hiện tượng “hot” ở các nước trên thế giới. Khi xuất hiện tại TP. Huế, Hoàng cùng nhiều bạn khác cài thử để chơi cho biết, nhưng càng chơi lại càng…nghiện. “Mấy ngày ni, khi nào rảnh, mình cùng nhóm bạn lại ra công viên bắt Pokémon. Trung bình, mỗi ngày mất chừng 5-6 tiếng để chơi trò này”, Hoàng nói.

Nhiều phụ huynh hay dẫn con đến công viên đi dạo cũng ngao ngán, không hiểu vì sao game này lại cuốn hút con họ như vậy. Chị Đinh Cẩm Vân (đường Đặng Dung, TP. Huế) thở dài khi cậu con trai chăm chú vào màn hình Ipad không chịu về sau khi chị đi hết hai vòng công viên tập thể dục. Chị nói: “Tối nào nó cũng đi tập thể dục. Cách đây mấy hôm, khi có Pokémon Go nó không tập, chỉ ôm cái Ipad rồi chạy lung tung, tay thì quẹt liên lục lên màn hình”. Ngoài địa điểm này, khu vực công viên quanh Đại Nội cũng xuất hiện trạm dừng Pokémon Go khiến nhiều bạn trẻ tụ tập đến “săn”. Các cặp tình nhân, vợ chồng cũng tham gia trò này. Lạc giữa đám đông, nhiều du khách nước ngoài cũng hăng hái, chăm chỉ bắt Pokémon. Lượng người chơi tập trung về các công viên được cho là “trạm dừng” Pokémon đông khiến mạng 3G chập chờn, có lúc nghẽn mạng.

Cảnh báo nguy hiểm

Nguyên nhân gây bệnh về tâm thần

Theo Th.s Nguyễn Văn Thu, Trưởng bộ môn Tâm lý – Giáo dục học Trường cao đẳng Sư phạm Huế, về mặt tâm lý, chơi Pokémon Go là một thú vui tiêu khiển; tạo ra ở người chơi những trạng thái cảm xúc, như hồi hộp, thích thú, thỏa mãn, tò mò. Pokémon Go cũng dễ chơi do những âm thanh được đồ họa sống động, bắt mắt, mới lạ, hợp với tính cách của giới trẻ và những người thích khám phá, chinh phục.

Sức hấp dẫn của Pokémon Go làm cho người chơi rất dễ đam mê, tiêu tốn thời gian, thiếu tự chủ và khả năng kiểm soát bản thân hạn chế. Đam mê trò chơi làm đầu óc mê muội, chai cứng, công việc dễ bị bỏ bê, hiệu quả làm việc kém. Chơi game nhiều cũng là hình thức bó hẹp các mối quan hệ, dễ dẫn đến trạng thái cáu gắt, lầm lì, ít nói. Khi không được thỏa mãn đam mê sẽ rơi vào cảm giác hụt hẫng, trống rỗng, mệt mỏi và là nguyên nhân gây nên những căn bệnh về tâm thần.

Người chơi luôn phải ý thức rõ Pokémon Go chỉ là một thú vui tiêu khiển, một trò chơi giải trí. Phải luôn tự chủ, kiểm soát được bản thân khi tham gia chơi, tức là xác định được chơi khi nào, chơi bao lâu…và phải luôn ý thức về kế hoạch công việc của mình.

LÊ THỌ

Bên cạnh giúp người chơi giải trí, vận động, di chuyển nhiều, bạn bè có thể gặp nhau thường xuyên thì việc chú tâm vào màn hình điện thoại dễ dẫn đến những hệ quả khó lường. Tại TP. HCM, Hà Nội, nhiều người mải mê vừa đi xe máy vừa cầm điện thoại chơi trò này bất chấp nguy hiểm, dẫn đến tai nạn, bị giật điện thoại. Ngoài ra, những hệ lụy khác mà chơi có thể gặp phải khi chơi trò này theo các chuyên gia như gặp phải các bệnh về mắt, ảnh hưởng đến kết quả học tập…

Vì độ “hot” của game Pokémon Go mà nhiều bạn trẻ ở các vùng quê cũng đổ về trung tâm TP. Huế để quyết tâm chinh phục trò chơi ảo này. Bạn Đặng Văn Khánh (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang), nhà cách trung tâm TP. Huế khoảng 15km, nhưng đêm nào cũng cùng nhóm bạn chạy xe lên về để thỏa đam mê với những chú Pokémon mà theo Khánh…từng gắn liền với tuổi thơ qua phim hoạt hình. Hành trang của những người chơi game này ngoài điện thoại xịn, phải đăng ký gói 3G mạnh và xài nhiều sạc pin dự phòng lỡ lúc điện thoại hết pin. “Nghĩ là tải về chơi cho vui. Rứa mà dứt ra khó quá. Tối nào không chơi chịu không nổi”, Khánh thú nhận.

Ông Nguyễn Hữu Thành Nam, cán bộ Phòng Nghiên cứu triển khai ứng dụng Trung Tâm CNTT tỉnh cho rằng, ngoài yếu tố mang tính giải trí, giúp người chơi di chuyển nhiều thì Pokémon Go vẫn còn rất nhiều mặt trái. Cụ thể, cuốn hút người chơi ở môi trường ảo xa vời với thực tế, làm mất thời gian dẫn đến việc xao nhãng học tập, làm việc. Đi săn Pokémon đồng nghĩa phải bật định vị trên điện thoại, từ đó các hacker có thể theo dõi mọi vị trí bạn di chuyển trong quá trình chơi, từ đó kết nối với các thông tin cá nhân thông qua địa chỉ email và khai thác chúng cho các mục đích xấu. Nghiện game này còn dẫn đến các bệnh về mắt, hư pin điện thoại nhanh, mức độ tập trung cũng dễ gây ra tai nạn, bị cướp giật trên đường đi. “Hãy suy nghĩ, xem xét kỹ trước khi chơi game Pokémon. Người chơi cần tìm hiểu kỹ những điều khoản khi tải ứng dụng này về máy. Quan trọng hơn, hãy bảo mật thông tin một cách tuyệt đối, bảo vệ quyền riêng tư để tránh những hậu họa khó lường”, ông Nam khuyến cáo.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh báo tình trạng nghiện game trong giới trẻ

Mỗi ngày dành 8 - 10 tiếng chơi game, có khi còn thức đêm để “chiến”, “làm nhiệm vụ”, dẫn đến kiệt quệ về cơ thể và tinh thần, mất ngủ kéo dài, không kiểm soát được hành vi. Đó là thực trạng đáng buồn mà nhiều bạn trẻ nghiện game đang nếm trải.

Cảnh báo tình trạng nghiện game trong giới trẻ
Vào trường học trộm tài sản

Chiều tối 15/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế cho biết, đã bắt giữ đối tượng nghiện game dẫn đến trộm cắp tài sản; đó là, Nguyễn Văn Hiệp (SN 1996), trú tại thị xã Hương Thủy.

Vào trường học trộm tài sản
Return to top