Thứ Tư, 21/10/2015 15:15
(GMT+7)
Cảm ơn và xin lỗi
TTH - Trời chang chang nắng. Tôi đang chở con đến trường trên đường Lê Lợi thì nhìn thấy một cô bé (chắc là học sinh Trường Hai Bà Trưng hay Quốc Học) vội vàng đạp vượt lên nhiều người đi đường. Đến gần một cô gái mặc áo dài đi xe máy, cô bé nhẹ nhàng nhắc: “Chị ơi, xe chị chưa đá chân chống!”. Cô gái đi xe máy đá chân chống lên, phóng xe đi tiếp với vẻ mặt điềm nhiên như không và chẳng hề nói đến nửa câu cảm ơn với cô học trò dễ thương nọ. Không có sự nhắc nhở của cô bé, biết đâu một sự cố không hay có thể xảy ra với cô gái mang áo dài?
Một ngày mưa tầm tã, sân trường cuối giờ chiều rất đông người đến đón con. Tôi đang dẫn con gái ra cổng trường thì vô tình đạp phải chân một người đàn ông đứng tuổi. Tôi vội vàng nói câu xin lỗi, ngay lúc đó, người đàn ông cũng nói xin lỗi khi quay lại nhìn tôi. Tôi bối rối: “Tôi đụng vào anh mà!”. “Ồ có sao đâu chị”, người đàn ông cười hiền.
Cô cháu gái học ở nước ngoài của tôi kể, cứ vào dịp cuối tuần, cháu lại đi làm thêm ở một tiệm bán bánh ngọt. Một bà mẹ vẫn thường dẫn cô con gái nhỏ đến mua bánh. Dù là “thượng đế” (tức là người mua theo cách nói của người Việt), nhưng bao giờ cô bé con cũng phải có thêm từ please (làm ơn) sau lời yêu cầu: Bán cho cháu cái bánh...! và thank you (cảm ơn) với cô bán hàng là cháu tôi. Nếu không có tiếng please và thank you ấy, bà mẹ sẽ đứng chờ cho đến khi nào con nói mới đưa tiền mua bánh và dẫn cháu về. Riết thành quen, cháu tôi cứ chờ khi nào cô “thượng đế” nhỏ nói tiếng please mới đưa bánh. Cháu tôi bảo, mấy tiếng cảm ơn, xin lỗi, làm ơn là những từ cửa miệng ở nước ngoài và người ta nói với thái độ rất tự nhiên, lịch sự chứ không hề khiên cưỡng.
Ai làm gì cho mình dù nhỏ cũng phải cảm ơn, có lỗi thì xin lỗi, muốn yêu cầu điều gì đó phải nói một cách lịch sự. Điều tưởng chừng vô cùng sơ đẳng này với nhiều người Việt sao lại khó đến thế?!
Triền Thảo