Với người nông dân nghèo nào, sự khởi nghiệp của họ có lẽ đều có dăm ba bụi chuối cắm sau hè. Bởi cây chuối dễ tính, hiền lành, đặt đâu cũng sống được, sinh sôi nảy nở. Mẹ đi chợ, không thể thiếu tấm lá chuối lót rổ. Mớ rau vườn buổi sáng tưới thêm gáo nước, đậy đằn đọt lá chuối càng thêm mơn mởn, tươi xanh. Lá chuối cũng làm nên hương vị đặc trưng của bao nhiêu món bánh. Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ cái mùi thơm thoang thoảng của món bánh sắn thời bao cấp. Sau giải phóng miền Nam, tiêu chuẩn cán bộ xã của ba có mấy chục ký bo bo và một bao sắn cục, mẹ phải bỏ vào cối, giã mịn mới dùng được. Bột sắn đem nhồi làm bánh, kèm thêm ít nhân mè hay đậu. Không biết do đói ăn, do mẹ khéo làm hay bởi mùi thơm nhè nhẹ của lá chuối mà món bánh ấy đã át đi cái nồng và ớn của sắn. Sau này khá hơn thì có món cơm đùm lá chuối. Cơm vừa chín tới, mẹ ra vườn chặt tàu lá, hơ qua trên ngọn lửa to rồi xới cơm đặt vào, nén chặt. Ba và các anh thường mang cơm đùm lá chuối ra đồng. Trưa, gói cơm được xắn ta, chấm với muối, nhai kỹ nghe ngọt và thơm như sữa mẹ.
Thích nhất là khi chuối đơm bông. Nhìn thân cây no tròn, bầu bĩnh, cứ mường tượng sự đơm hoa, kết trái của chuối như người phụ nữ khai hoa, nở nhụy. Cho đến khi buồng chuối dài phết đất, nặng trĩu qủa thì chuối hình như cũng đã còng xuống như lưng mẹ khi về già.
Sau này ngẫm ngợi, càng thấm thía hai chữ tận hiến mà người thầy giáo dạy văn đã ví von. Cho đến khi đã vắt kiệt mình cho những buồng chuối thơm tho, bổ dưỡng, người nông dân vẫn có thể dùng thân chuối làm thức ăn cho lợn. Và hơn thế, với những người đã sống sót sau nạn đói năm 1945 như thầy giáo của tôi, trong ký ức họ còn có những bữa ăn gốc chuối cầm hơi…
Và một lẽ nữa. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu vì sao người Việt lại chọn nải chuối làm vật tế lễ trang trạng trong những dịp đại sự như kỵ giỗ, tang chay, lễ, tết. Có những dịp như ngày tết cổ truyền, đôi khi một nải chuối ưng ý đặt lên bàn thờ có giá cả mấy trăm ngàn đồng mà người nghèo cũng cố bấm bụng mua bằng được.
Quả là có một truyền thống văn hóa chuối của người Việt. Nó sinh ra, lớn lên và theo con người lâu bền, cho đến khi đã sang một thế giới khác…