Cô thứ nhất có quy định, cứ mỗi buổi học, mỗi cháu mang theo nộp cho cô 1.000đ (tất nhiên có nhiều hơn thì cũng không sao). Mục đích là để cô gây quỹ làm từ thiện. Vậy là, quên gì thì quên, trước lúc đến lớp thằng bé nhà tôi bao giờ cũng nhắc ba mẹ cho nó 1 ngàn. Riết thành nếp, bây giờ có khi không đợi cháu nhắc, tôi, hoặc bà xã cũng đã chuẩn bị và nhét sẵn vào cặp cho cháu.
Cô giáo thứ hai thì ngược lại, không thu mà chi. Cô quy định, cháu nào làm bài kiểm tra mà được 7 điểm trở lên là có thưởng, điểm càng cao càng được thưởng nhiều. Cũng không lấy gì làm “ghê gớm” lắm, chỉ 5 hoặc 10 ngàn cho mỗi con điểm. Nhưng với lũ trẻ, đó là một món tiền hấp dẫn khiến đứa nào đứa nấy khi được thưởng đều cảm thấy phấn khởi. Và lẽ tất nhiên, không khí ganh đua, không khí học tập cũng... hừng hực. Đứa nào cũng muốn mình được điểm cao, đồng nghĩa với việc được có tiền.
Hai lối hành xử. Một bên thì mình “mất” tiền, nhưng khi đưa tiền cho con để nộp tôi không hề thấy băn khoăn áy này tẹo nào. Mấy đứa bé đi học ở lớp cô giáo này cảm xúc trên vẻ mặt thấy cũng bình thường.
Một bên thì “được” tiền. Mấy đứa nhóc được thưởng thì hào hứng ra mặt. Còn tôi, và có lẽ một số phụ huynh khác nữa, thì lại băn khoăn không ít. Băn khoăn không chỉ bởi sợ lũ nhóc có tiền trong tay rồi quà vặt, rồi “lặng lẽ” chui vào quán game v.v... Và rồi “ăn quen nhịn không quen”, về sau có “sinh sự” hay chăng? Chuẩn bị đến giờ của cô, thấy con lo học bài, lo làm bài tập. Vừa mừng nhưng cũng vừa...lúng túng. Không rõ có phải nó học vì yêu thích sự học, hay là chỉ chăm chăm vì món tiền thưởng?
Bây giờ vì tiền mà lo học, sau này thành nếp, cái gì cũng vì tiền, rồi cái câu “vì tiền mà tôi làm vậy” trở thành câu cửa miệng, trở thành nếp hằn trong tư duy, thì chúng ta, những người lớn bây giờ không biết nên vui hay nên lo? Hoặc là cô giáo kia có một triết lý giáo dục cao minh, hiệu ích mà tôi là người ngoại đạo nên chưa thấu biết, lại ngồi ngẫm vơ vẩn cho mất thời gian. Mong được là vậy...