Những người nghèo ở Tân Hội gắn bó với cát, với Bàu Rò nước đong đầy xanh thắm. Bàu nước ngọt ấy hình thành giữa cồn cát, nhiều cá tôm mùa nước lên chen chúc nhau bò chơi trên cát. Mùa khô nước cạn, đất bùn màu mỡ trở thành ruộng hoa màu ngọt tươi hơn đất nào hết ở Ngũ Điền. Xưa, bàu nước này còn có trăm chim về quần tụ, đất lành nguyên vẻ hoang sơ. Nay, người dân còn lập những trang trại vịt quanh bầu, tiếng kêu của đàn đàn lớp lớp đàn thủy cầm phá tan không khí hoang vắng nơi bầu cát.
Dọc con đường cát, những người đàn ông lực lưỡng vùi mình trong cát sâu, đào xới những lớp cát tìm phế liệu. Đôi người dùng những con bò kéo những xe cát đầy dùng vào mục đích xây dựng nhà cửa. Cát đi theo bước chân ai, dạo chơi qua những miền đất lạ, bao khung cảnh vàng tươi hoa nắng đón chờ cát. Cát theo chân tôi, vàng óng ánh giữa nẻo phù sa Ô Lâu từ ngàn năm đã êm ả chảy qua đất lành.
Trước mặt Điền Lộc, sông Ô Lâu trong xanh chảy qua êm đềm với chiều dài khoảng 3km. Dòng sông mang phù sa màu mỡ từ vùng rừng núi phía tây Thừa Thiên Huế đổ về phá Tam Giang. Đoạn qua Điền Lộc đã là hạ lưu, gần cửa sông Ô Lâu đổ vào phá, lòng sông đây nở rộng, hai bên xanh mướt màu cây. Nguồn nước Ô Lâu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Sông hiền lành là vậy, nhưng những ngày lũ lụt, nước cũng dâng lên quấy xóm quấy làng, chia cắt đường sá. Ngày tôi ra Điền Lộc, hoa sen giữa hạ nở hồng cánh đồng. Dăm con thuyền bé chèo nhẹ, lướt qua những chiếc rớ bà dựng choán góc sông. Gió thổi mát rượi, mang nguồn thơm của sen, của lúa trổ đòng xông nồng cánh mũi. Làng quê rất gần gũi, rất thơm, thấm trong máu thịt như thể là nhà, là cố quận. Dừng lại trên cầu Hòa Xuân, nhìn trời nước thấm vào đáy mắt, lòng người se lại. Nắng chầm chậm rưới sắc vàng nhuộm sông, ao sen, đồng lúa. Xa xa, trong màu mây xám nhạt, những độn núi sừng sững góc trời chạy dọc một rặng xanh. Ở phía tây, Trường Sơn một dải chấn ngang chân trời màu tím đậm. Bạch Mã xa kia mây cuộn trắng đầu. Huế như gần lại từ điểm nhìn của vùng bãi ngang. Ngày xưa, những bước chân di dân khai hoang mở đất đầu tiên hoặc là từ biển cập bờ, hoặc theo vùng sông nước, đầm phá từ phía đông mở dần về phía tây. Vùng Ngũ Điền hay Điền Lộc là nơi những bước chân đầu tiên dựng làng lập ấp của người Việt từ Bắc vào. Những xóm làng mọc lên trên cồn cát hoang vu, bên sóng biển, bên những dải đất phù sa chua mặn, rồi ruộng, rồi đồng, màu xanh choáng dần khoảng vàng đen cằn cỗi của cát, của bùn.
*
Về đây Tân Hội những xóm nhà bền chí sống mãnh liệt bên cồn cát trắng, bên biển xanh trong. Cát xô trước thềm nhà, trải ra những con đường bát ngát về những miền xa duyên hải. Dải cát Điền Lộc ôm vành biển hiền hòa tự ngàn đời vỗ giấc du ca. Nếu như cát là niềm tự do giữa vùng bãi ngang Ngũ Điền, mặc sức chạy nhảy xuống đầm ra biển, thì hoa xương rồng là giọt nước mắt vĩnh hằng trên triền cát.
Giữa màu xanh bạc sờn của loài xương rồng, cuộc sống êm đềm diễn ra từng giây từng phút. Trong từng đường gân, gai nhọn, chú kiến vàng vội vã gồng gánh thức ăn về lo tổ ấm. Bên bông hoa chớm nở, chú ong mật lẹ làng tách cánh. Tất cả tìm lối riêng mình, cách này hay cách khác để tồn tại giữa thế gian. Trên con đường ngập cát, hỏi màn đêm để nhận sự lặng thinh, hỏi xương rồng để nghe những mầm xanh khe khẽ cựa mình trong đất. Thứ nhựa đời rất thật gắn kết những thất bại và nỗ lực, gắn màu xanh lên cát khô cằn.
Bên cây xương rồng rộ hoa giữa cồn cát trắng áo mây, tôi đánh rơi một nụ cười chìm sâu trong lòng cát Điền Lộc. Những khắc khoải trỗi dậy. Nhớ bước chân một người lặng lẽ đi trên cát, trong bóng nắng chiều với nụ cười mùa thu biển...