ClockThứ Năm, 27/11/2014 18:01

Món ngon mệ nấu

TTH - Từ thuở nhỏ, tôi đã thích ăn thức ăn của mệ ngoại nấu. Lúc 3 tuổi, lần đầu ăn bữa cơm chung cùng đại gia đình ở quê, tôi đã thốt lên một câu nhận xét ngu ngơ trẻ thơ: “Con thích về nhà ngoại hơn nhà nội. Nhà ngoại lúc nào đồ ăn cũng ngon, lại nhiều món nữa!”. Dù mẹ bịt miệng, ông ngoại kéo cả nhà lảng qua chuyện khác nhưng sau này lớn lên, tôi mới biết câu nói đó đã làm ba tôi chạnh lòng.

Tôi kết nhất món canh lá giang (ở quê tôi thường gọi là lá gấm). Thứ lá này kết hợp với đồ tươi cho ra món canh ngon đáo để. Sang trọng là nấu với cá chép, cá mè… cất dưới hồ lên còn giãy đành đạch, bài bản thì um với con cá lóc đơm được trên đường làm đồng về, đôi khi đơn giản chỉ nấu cùng chén cá lộn xộn chít chiu với mấy con niềng niễng, mày mày rớ được ở thủy lợi hay với nhúm nhái bén băm nhỏ ướp muối tiêu. Thứ nước canh này vừa ngọt vừa thanh, lại đượm vị ruốc nêm. Tôi để ý nhiều món canh, mệ hay ra hông nhà nhổ vài cây ném lấy gốc giã với ít tiêu tươi và thêm ít ớt hiểm trong vườn. Thứ hỗn hợp này cho vào nồi canh đang sôi sùng sục trên bếp, sau đó bắc xuống, xắt ném cây vào, nêm nếm vừa ăn, thế là xong. Ông ngoại bao giờ cũng là người ăn trước trong nhà, đồ ăn được bày biện trên chiếc mâm gỗ riêng. Chỉ cần nghe tiếng ông húp canh rồn rột, hít hà hơi cay và chép miệng: “Ấm dậm! Ấm dậm”, vậy là biết cơm canh hốm đó đạt chuẩn.

Mệ biết chiều con, chiều cháu, hễ thấy tôi về quê là y như rằng toàn được ăn những món ưng ý. Có bữa tôi mất nửa ngày theo chúng bạn đi tát cá về được mớ cá mại, cá thia tí teo. Bọn bạn cười vì cỡ nhà quê đi làm cá thu về những thứ ấy là vứt, song với người thành phố như tôi, đó là chiến lợi phẩm. Tôi ra giếng rửa sạch, nhặt nhạnh kỹ lắm, bỏ vào nồi khăng khăng bắt mệ kho bằng được. Mệ chửi: “Cha mi! Ở thành phố nên thèm cá ni chớ chi!”. Vậy mà lúc dọn mâm lên tôi cũng có dĩa cá kho khô với ném, ớt tươi ăn được cơm khỏi nói.

Lâu lâu đứa cháu thành phố cũng được ăn đặc sản cỡ nhà giàu. Đó là buổi sớm mai thức dậy được để dành chén cơm với tô xáo măng thơm lừng, ngọt lịm. Ăn xong khen nức nở hỏi mệ nấu cái chi với măng mà ngon. Mệ cười: “Le le đó con! Thứ ni có tiền chưa chắc đã mua được”! “Mô ra rứa mệ?”. “Dì mi đi soi cả đêm đó. Tau phải dậy sớm nhóm bếp, cầm đèn ra vườn bẻ măng mới có mà ăn đó chơ”! Trời, đúng là sướng thiệt! Không ngờ ở quê cũng có lúc sang trọng quá!

Mệ tôi nấu ăn ngon vậy nhưng mẹ tôi lại không thừa hưởng cái tài của bà. Mẹ phân trần tại đi thoát ly sớm quá, giải phóng xong là được đi học nên nội trợ bếp núc không khéo bằng mệ ngoại. Ấy vậy nhưng có hai món độc đáo của mệ mẹ tôi học được và thi thoảng vẫn đãi chị em tôi là thịt muối và muối nướng. Heo thịt cả làng chia ăn không hết, mệ rửa sạch đem ướp muối trong thẩu sành cất gần chạn bếp, lâu lâu đem ra nướng ăn cơm. Còn muối hầm mệ trộn với ruốc, ném, ớt tươi giã nhuyễn nén chặt vào chén đá, gắp than đượm phủ lên trên, bên ngoài chén phủ tro nóng. Món nhà nghèo vậy nhưng mùa đông ăn với cơm nóng ngon cực. Những năm lụt lớn, mẹ tôi chỉ nấu cơm và làm mỗi món này, vậy mà qua được mấy cái đận nước lũ bao vây.

Mùa đông, mỗi lúc cầm chén cơm, tôi lại nhớ mùi ném cây, tiêu tươi, ớt trái của mệ và thèm được ăn món canh “ấm dậm”. Hơn mười năm, tôi không còn gặp lại hương vị thân quen ấy nữa. Chúng chỉ còn trong ký ức với hình ảnh mệ còng lưng lọ mọ ra vườn…

L. Tuệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top