Thứ Bảy, 03/10/2015 07:35
(GMT+7)
Ô cửa và dây phơi
TTH - Cứ mỗi chuyến công tác và có một khoảng thời gian rỗi nào đó, khi xê dịch trong các không gian Hà Nội, tôi lại có thể nhận rõ về chiều hướng vươn lên và rộng ra từ các chung cư cao tầng. Không phải là công dân Thủ đô, nên tôi cũng không thể nào biết rõ là Hà Nội đã có bao nhiêu chung cư cao tầng, nhưng chắc chắn đây là một sự “dịch chuyển” đúng hướng trong việc giãn mật độ dân số sống ở các khu vực trung tâm, xác lập công năng sử dụng tốt hơn cho cư dân thành phố trên những diện tích cố định, tạo lập một không gian sống hiện đại, chất lượng trong quá trình phát triển…
Nhưng quả thật là, vẫn có điều gì đấy lộm cộm trong tầm mắt của người đi qua thành phố. Và trong một buổi trưa ngược nắng, sau khi trở về từ làng gốm Bát Tràng và khu đô thị Ecopark bằng cầu Vĩnh Tuy, tôi nhìn lên cao và nhận ra một ngôn ngữ quen thuộc với một người đã từng có “thâm niên” sống ở khu tập thể trên các căn hộ cao tầng. Đó chính là các loại dây phơi quần áo với đủ loại sắc màu và cách thức.
Câu chuyện giữa tôi và một đồng nghiệp sau đó đã xoay xung quanh thói quen sống. Mà thực ra, đó còn là nhu cầu hàng ngày, thiết thân và đương nhiên là phải xảy ra trong chu trình luôn được lặp lại. Vậy vấn đề ở đây là gì? Rõ ràng là chúng ta chưa có thói quen dùng hệ thống phòng giặt, sấy công cộng và đa phần chủ yếu nhờ vào nắng, gió… nhưng tại sao khi thiết kế các chung cư này, nhà đầu tư và cả các nhà quản lý đô thị nữa không đưa vào và không yêu cầu những hạng mục tưởng như nhỏ, nhưng không thể thiếu – là sân phơi cho các hộ gia đình? Và tại sao không quay các khoảng sân phơi vào bên trong với những khoảng không gian có nắng và có gió thay vì chường phần phản cảm này ra đại lộ, ra mặt phố hay các con đường lớn, nhỏ khác…?
Đây cũng là điều đang hiện hữu ở một số chung cư tại Huế. Khu tập thể Đống Đa cũ tình hình này có vẻ đang được cải thiện, cơ bản là vì mặt tiền của các căn hộ gần như đã được xây bít lại hoặc che kín, nhằm có thêm công năng sử dụng. Nhưng nếu đi qua các chung cư ở Xuân Diệu, ở Trường An hay chung cư dành cho người thu nhập thấp ở Vicoland, ở Hương Sơ …vẫn dễ dàng nhận ra các ô cửa, các ban công hoặc được cơi nới, hoặc được bao bọc xung quanh kiểu “chuồng cọp” hoặc “phấp phới” sắc màu quần áo…
Chả lẽ chúng ta cứ nói hoài với nhau về một thói quen cũ, cần phải thay đổi trong cách sống hàng ngày? Hay chính là thói quen đã ăn sâu và mặc định luôn cả trong ý tưởng đến các bản vẽ thiết kế, đến nỗi người có nhu cầu sử dụng các căn hộ cao tầng dù muốn vẫn cứ phải mặc nhiên chấp nhận?
Văn minh đô thị còn chính là sự “hiệu đính” lại và thay đổi ngôn ngữ quen thuộc ở khía cạnh này khi hình thành và đưa vào sử dụng các khu chung cư.
Nguyễn Sông Hương