Thứ Bảy, 31/10/2015 17:05
(GMT+7)
Ráng mà chịu!
TTH - Nhà ở phía tây thành phố, nên buổi sáng, tôi thường cho con đi học sớm. Phần vì để con có thời gian ăn sáng, nhưng phần nhiều hơn là để tránh kẹt xe cục bộ vào giờ tàu qua. Kinh nghiệm cho thấy, cứ để trễ hơn hàng ngày 5-7 phút là phải mất đến 10-15 phút trước đoàn xe ô tô, xe máy, xe đạp dày dặc từ cuối chân dốc đến tận đỉnh dốc.
Thế nên sáng nay, tôi hơi cáu khi con vác cặp xuống muộn. Con tôi vội vã nói là vì ủi cái áo. Tôi đang định nhắc nhở thì con phân trần: áo hôm qua con ủi rồi, treo lên để sáng mai mặc rồi nhưng té ra là người ta đính lệch cả hàng khuy. Rứa là con phải tìm áo khác…
Trưa về, thấy con cười khúc khích từ ngay ngoài cổng trường, xem chừng có điều gì thú vị lắm. Khi vừa yên vị, nàng liền líu lo: Cái áo đồng phục đặt may ở trường của con mới chỉ lệch hàng khuy thôi, chứ áo của con bạn con, người ta còn may logo vào phía trong của tay áo nữa, mẹ nờ. Rứa mà sáng nay hắn cũng mặc. Hỏi thì hắn bảo lỡ rồi. Tìm áo khác lại trễ học mất. Mà mẹ, rứa là buổi sáng, tụi con có hẳn một chủ đề về chuyện áo quần ni luôn. Có đứa kể quần của hắn không gài được vì quá chật. Thằng khác lại bảo quần hắn mặc vô là phải vừa đi vừa giữ vì quá lỏng. Hắn nói là lỏng cả nạm luôn đó mẹ. Tụi con cười muốn chết…!
Tôi cũng bật cười trước sự ngộ nghĩnh trong câu chuyện con kể và bảo, sao các con không tự chọn bộ nào vừa người rồi hẵng lấy. Con tôi giãy nảy: thợ đến trường, đo cho từng người trong từng lớp đó mẹ. Con cũng chịu, không hiểu vì răng lại có chuyện lạ rứa chớ! Mà cũng tại tụi con chủ quan, chứ cô chủ nhiệm cũng dặn hôm nhận là áo quần bạn nào có vấn đề gì thì liên hệ với trường để điều chỉnh, thay đổi, mà đứa mô cũng đến chừ mới lôi ra mặc thì ráng mà chịu!
Trong bữa ăn trưa, chồng tôi phàn nàn, răng trường mô cũng bắt học trò phải lên trường đo ni đóng giày rồi lỡ xôi lỡ việc, rồi lại mang tiếng mang tăm về việc có hay không việc trích % với nơi may đo. Nếu trường chỉ phát lô gô thôi, rồi học sinh chỉ cần may hoặc đính vào đồng phục trên mẫu mà trường đưa ra, hoặc cho vài địa chỉ đơn vị hợp đồng để học sinh tự đến may, có khi lại tránh được những sự lố của mấy đứa nhỏ như vừa kể…
Tôi bảo, chịu, không biết được thì chồng buông câu: thì rứa, nên ráng mà chịu!
Nguyễn Lê An