Với một xứ sở mưa nhiều như Huế, rêu lại là thành phần góp nên cái cổ kính của một vùng đất cố đô, kinh kỳ quá vãng.
Với Huế, nhắc đến rêu là nhắc đến hoài niệm, nhắc đến những hình xưa dáng cũ của lăng tẩm, đền đài, phủ đệ; là nhắc đến khu vườn xưa hoang vắng; là nhắc đến những hàng cây già khẳng khiu đứng can trường qua bao gió mưa…
Chúng ta có thể nhận ra loài rêu từ những thảm rêu trong các khu vườn tĩnh mịch. Hãy đến vườn An Hiên, đến khu vườn của ngôi nhà cố họa sĩ Bửu Chỉ, nhận ra rêu đang góp phần làm nên cái trù mật của thực thể xanh biếc lá cây. Chúng ta đến các lăng tẩm, phủ đệ, nhận ra rêu đang làm nên giá trị của cái cổ xưa trên những di tích ấy. Chúng ta đến các ngôi chùa, nhận ra màu xanh rêu vô ưu làm nên giá trị tĩnh mịch của những không gian an nhiên của chốn thiền môn. Hàng triệu triệu bức tranh rêu đang tồn tại vô nhiễm quanh chúng ta. Rêu mọc trên lối đi, bên vỉa hè, trên những tầng cấp ít bén chân người. Rêu mọc trên những hàng cây cổ thụ. Đi qua con đường Ngô Quyền, nếu để ý, sẽ thấy rêu đang phủ đầy trên những thân cây, tạo thành những suối rêu xanh mượt mà kỳ lạ. Nhiều khi leo lên Bạch Mã, thấy rêu mọc tầng tầng lớp lớp ngay dưới chân mình, ngay trên đầu mình, với những gam xanh từ nhạt đến đậm, thấy rêu nói với chúng ta thật nhiều điều về lẽ sống.
Hãy thử một lần đối thoại với rêu, sẽ nghe rêu nói thật nhiều điều về sự sống bất diệt, về chữ nhẫn của thực thể nhỏ nhoi, nhưng đặc biệt nhất là về lẽ vô thường mà rêu mang lại. Rêu như sợi dây tình người nối cảnh cũ người xưa với nhịp sống hiện đại.
Với Huế, trong ý nghĩa đó, rêu từng hun đúc nên một thế hệ dấn thân như thi sĩ Ngô Kha đã viết: “Còn rong rêu trên vừng trán nhà thơ/ Nhân chứng áo xanh ăn mòn các kinh sách trong thư viện”. Trong bối cảnh xã hội con ngươi không biết sẽ đi về đâu của những năm tháng ấy, rong rêu nhắc về lẽ vô thường để những thanh niên quyết định dấn thân xuống đường đấu tranh cho lẽ phải.
Rêu Huế cũng là cảm hứng của thi ca và nhạc họa. Rêu đi vào nhạc với câu hát nổi tiếng “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời” của Hà Huyền Chi và Trần Trịnh. Rêu cũng đi vào dòng nhạc thân phận của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Nhìn lại mình đời đã xanh rêu”.
Rêu cũng là cảm hứng cho nhiều câu thơ, như trong bài “Màu Huế”của Trương Nam Hương “Anh vịn màu rêu Huế để yêu em”. Và một nhà thơ khác đã quá cố, Nguyễn Vinh, đã có một câu thơ kỳ lạ “Đêm không ngủ tôi nằm nghe rêu hát”…
Rêu, thực thể xanh biếc với những tiếng nói riêng của nó. Rêu trong lăng tẩm vua chúa như Khiêm Lăng đầy bóng sứ già nhắc nhở sự phù du của vinh hoa phú quý, quyền lực. Rêu ở những bức tường vòi vọi trong Y Trì Tùng Dụng, nơi ở các bà phi, các cung tần mỹ nữ hỏi rằng sinh thời các quý bà có hạnh phúc không mà nay hoang tàn lạnh lẽo thế kia? Những ô cửa tò vò rêu bám quanh bảo rằng rêu chính là sự lãng quên song nó cũng nhắc nhở về quá khứ.
Và chốn thiền môn, người đi chùa lâu năm hẳn sẽ được nghe nhắc đến câu thơ xao động: “Chuông chiều đổ rung hồn xanh rêu ngói/ Búp liên đài hé cánh niệm Nam mô”. Chốn tĩnh không ấy, những bước chân vô thường thẩm thấu, rêu là ánh mắt bình yên tâm hồn. Nhìn mảnh tường xám ngắt rêu mờ ẩn hiện, viễn thường ngẫm nghĩ đến những đóa sen trắng trên mặt hồ khỏa màu rêu...
Ô hay, lẽ vô thường thiên hạ xanh rêu, biết đời mình rong rêu, thì ngại chi mưa gió…