ClockThứ Sáu, 16/11/2012 13:44

Tiết kiệm chi tối đa để tăng lương

TTH - Chính sách về tiền lương hiện tồn tại nhiều bất cập. Do lương tối thiểu không bảo đảm nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, người lao động phải làm thêm bằng nhiều cách khác nhau và không thể toàn tâm toàn ý cho công việc. Mặc dù từ năm 2004 đến nay, Chính phủ đã tám lần tăng lương nhưng mức lương của cán bộ, công chức (CB,CC) chỉ đáp ứng 35% nhu cầu sống tối thiểu, còn lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp đáp ứng 75%. Thật ra, việc tăng lương lâu nay chỉ bù đắp mức tăng chỉ số giá cả, tức chỉ bù vào lạm phát mà chưa đáp ứng mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với lạm phát như hiện nay và trong thời điểm đời sống đang khó khăn do kinh tế suy giảm, việc đưa ra mức lương mới cho năm tới càng cần thiết để bảo đảm đời sống CB,CC, người lao động và thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước. Ngoài ra, tăng lương cũng chính là một trong những biện pháp để kích thích tiêu dùng, giải quyết tình trạng hàng hóa tồn kho và thúc đẩy sản xuất phát triển.

Nhằm đáp ứng nguyện vọng của người hưởng lương, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ trình phương án tăng lương để Quốc hội xem xét khi quyết định dự toán ngân sách năm 2013 tại kỳ họp này.  Theo đó, Chính phủ sẽ tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho CB,CC, viên chức, người nghỉ hưu và người có công thêm 100 ngàn đồng/người/tháng trong sáu tháng bắt đầu từ 1/7/2013 với tổng kinh phí khoảng 21,7 ngàn tỷ đồng. Đây là phương án tích cực và khả thi nhất có thể để vẫn đảm bảo tăng lương, dù muộn hơn hai tháng so với lộ trình.
 
Để có nguồn thực hiện phương án tăng lương này, dự kiến Chính phủ sẽ giảm mức đầu tư công 10 ngàn tỷ đồng, trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2013 ở mức 55 - 60 ngàn tỷ đồng, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư 10% với khoảng 1,6 ngàn tỷ đồng và giảm bớt chi hoàn thuế giá trị gia tăng còn 73,2 ngàn tỷ đồng. Trong trường hợp ngân sách năm 2012 tăng thu, Chính phủ sẽ bố trí để ưu tiên cho khoản chi này; khoản ngân sách địa phương cân đối 3,3 ngàn tỷ đồng lấy ở 10% tiết kiệm chi thường xuyên đã bố trí trong dự toán trình Quốc hội và từ phần 50% tăng thu dành cho lương còn lại ở một số địa phương. Chính phủ cố gắng kiểm soát lạm phát ở mức 7 - 8%/ năm để đảm bảo tăng thu nhập thực tế cho CB,CC, người lao động và người hưởng lương.
 
Còn nhớ, nhằm bảo đảm khả năng cân đối thu chi ngân sách 2012 cũng như tiếp tục thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Chỉ thị 22/CT-UBND ngày 25/6/2012 tăng cường các giải pháp tiết kiệm chi thường xuyên trong năm nay. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP Huế; đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị trực thuộc thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc tiết kiệm, tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước.
 
Mặc dù đội ngũ CB,CC, viên chức ở Thừa Thiên Huế hết sức chia sẻ với những khó khăn trong việc thu và cân đối ngân sách trong giai đoạn hiện nay nhưng rõ ràng Chính phủ nên cơ cấu lại các khoản chi và triệt để tiết kiệm chi để thực hiện lộ trình lương cho tốt. Trước mắt, Nhà nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng vẫn có những khoản có thể tiết kiệm được để dành nguồn chi tăng lương như đã trình bày ở trên; nhất là kiểm soát chặt chẽ, tránh để thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công, rà soát để lùi thời điểm đầu tư một số dự án chưa thật sự cần thiết.
 
Điều đáng nói là trong khi thu nhập ngày càng hạn chế do giá các loại xăng, điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục... tăng lên, hàng triệu gia đình, người dân phải cắt giảm chi tiêu các khoản chưa cần thiết. Tương tự, với ngân sách cũng như vậy, khi nguồn thu eo hẹp, các cơ quan Nhà nước cũng phải thắt chặt các khoản chi một cách kiên quyết. Người dân còn có thể “thắt lưng buộc bụng” được, huống ngân sách Nhà nước. Vấn đề còn lại là chúng ta có quyết liệt nhập cuộc để khẩn trương thực hiện hay không mà thôi.
 
 Vĩnh Cự
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các địa phương của Pháp

Tại buổi tiếp xã giao bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 26/4, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn, hai phía tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các mặt giáo dục, y tế, du lịch, thu hút đầu tư, bảo tồn di sản, nhất là quảng bá văn hóa.

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các địa phương của Pháp
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ được phân công

Ngày 26/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ như sau: 1. Xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ được phân công
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu thăm, tặng quà, tri ân các cựu chiến binh Điện Biên Phủ

Sáng 26/4, nhân Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương TP. Huế đã đến thăm, động viên các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu thăm, tặng quà, tri ân các cựu chiến binh Điện Biên Phủ
Return to top