ClockThứ Năm, 26/09/2013 06:58

Tiếp sức cho sáng tạo và làm giàu

TTH - Sản phẩm công nghiệp nông thôn được hiểu là làm ra ở nông thôn và hướng tới mục tiêu phục vụ cho nhu cầu đa dạng, nhiều mặt của nhà nông và cuộc sống nơi lũy tre làng. Khu vực nông thôn đang là nơi tập trung nguồn nhân lực lớn nhất nước, nơi đang gánh chịu nhiều những thiệt thòi, nhưng cũng là nơi tạo nên bao bất ngờ bởi những lao động sáng tạo của những con người được gọi bằng những tên gần gụi như Hai Lúa (ông Hai trồng lúa) hay Ba Cà (ông Ba trồng cà phê), ít học nhưng thông minh và say việc, nhiều sáng kiến.

Cũng chính vì ý nghĩa đó nên tôi thích và trân trọng cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu đang được tổ chức trong cả nước. Như ở Thừa Thiên Huế chẳng hạn, đã có một lần đầu kết thúc khá thành công vào năm 2011 với việc lựa chọn được 38 sản phẩm tiêu biểu trong số 141 sản phẩm dự thi để trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đó là hình thức khuyến khích và hơn thế, là sự tôn vinh tinh thần lao động sáng tạo và cũng là động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, làm thay đổi bộ mặt chốn làng quê.

Đi đầu trong cuộc bầu chọn đợt 2 ở Thừa Thiên Huế, thị xã Hương Thủy vừa tổ chức tổng kết và trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào đầu tháng 9 vừa qua. Nhận được 23 sản phẩm của các đơn vị đăng ký tham gia bình chọn, kết quả Hương Thủy đã chọn được 5 sản phẩm tiêu biểu, gồm rượu gạo Tám Thơm của cơ sở rượu gạo Thủy Dương; mô hình “Chợ quê Cầu Ngói” của cơ sở Ngô Tam Bửu; sản phẩm bộ muỗng, vá, nĩa bằng gỗ của Công ty TNHH MTV Thủy Xuân; sản phẩm Hương Bài của công ty TNHH MTV Tân Nguyên và sản phẩm bộ dao sạch của cơ sở rèn Trường Tiến để khen tặng.

Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được chọn từ 4 tiêu chí cơ bản theo quy định lần lượt là doanh thu, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường; chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật - xã hội; tính văn hóa, thẩm mỹ và tiêu chí khác (như chứng chỉ liên quan đến chất lượng sản phẩm, các giải thưởng, bằng khen). Đó là những yêu cầu khá cao. Rõ ràng, khó có thể cùng lúc hội tụ được tất cả những tiêu chí cần có nhưng trong thực tế, nó đã đặt ra mục tiêu phấn đấu và vươn tới trong hoạt động lao động sáng tạo ở nông thôn và hướng về nông thôn.

Câu chuyện về cô gái chủ cơ sở rượu gạo ở Thủy Dương, sản phẩm đạt giải nhất trong cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thị xã Hương Thủy lần thứ 2 là một ví dụ tiêu biểu. Chính tri thức, sự dấn thân và khao khát “muốn tạo cho mình một thương hiệu để khi người ta thấy sản phẩm sẽ biết đến quê hương mình; một cách tri ân nơi chôn nhau, cắt rốn”, như cách nói của cô, đã tạo thêm cho xã hội một sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và thực tế hơn, giúp cô làm giàu.

Dân gian có câu “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Ngụ ý rằng, muốn làm giàu thì phải có tầm nhìn, phải thông minh và phải lao động cật lực. Biết cách khơi dậy, khuyến khích, tưởng thưởng xứng đáng thông qua những cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, do vậy không chỉ là sự tri ân khả năng sáng tạo còn là cách tiếp sức, tiếp thêm tầm nhìn cho “đôi mắt” và khả năng vượt khó của “đôi bàn tay” của những con người nơi chốn đồng quê. Đó là vấn đề mang giá trị kinh tế, đặc biệt có ý nghĩa trong hội nhập và phát triển hiện nay của đất nước.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top