ClockThứ Ba, 08/12/2020 06:30

Tìm vị trí thích hợp cho các chương trình, sự kiện ngoài trời

TTH - Cơ quan chức năng vừa công bố các sự kiện, lễ hội sẽ được tổ chức trong tháng 12/2020 nhằm thu hút khách du lịch và tạo ra không gian để người dân vui chơi, giải trí sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai.

Phải mới để đón nhận cái mới

Lầu Ngũ Phụng (Đại Nội) thường xuyên được lựa chọn làm background cho các chương trình của Festival Huế

Trong các sự kiện, có chương trình Countdown 2020 (đếm ngược) chào năm mới 2021 sẽ diễn ra tối 31/12. Dự kiến Quảng trường Ngọ Môn sẽ là nơi được lựa chọn tổ chức. Chương trình dự kiến sẽ có sự tham gia biểu của nhiều ca sĩ, DJ nổi tiếng trong tỉnh và trong nước; hứa hẹn thu hút hàng ngàn du khách và người dân Huế tham gia, tạo ra không gian đón chào năm mới sôi động nhất từ trước đến nay.

Chương trình Countdown chào năm mới lần thứ 2 tổ chức tại Huế sau năm 2019. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ cao của công chúng khi tạo ra một sự kiện văn hóa, nghệ thuật sôi động, tạo không khí sôi động để đón chào năm mới, nhất là sau một năm 2020 xảy ra quá nhiều khó khăn. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, địa điểm tổ chức chương trình hoàn toàn không phù hợp. Quảng trường Ngọ Môn nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế, là nơi trang nghiêm, không nên tổ chức các hoạt động náo nhiệt, mà chỉ là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật truyền thống, chương trình nghệ thuật nhẹ nhàng, sâu lắng, mang tính chất đối ngoại như những chương trình nghệ thuật trong các kỳ festival, hay chương tình chào đón Tết Cổ truyền như nhiều năm qua.

Ý kiến này không sai, nhưng thiết nghĩ, đã đến lúc cần có cái nhìn thoáng hơn để Huế tạo thêm cơ hội phát triển. Đạo diễn, NSND Nguyễn Ngọc Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế từng chia sẻ, phát huy là cách hiệu quả để bảo tồn văn hóa truyền thống. Trước sự vận động của xã hội, những loại hình nghệ thuật mới, phù hợp với đời sống đương đại hình thành thì không thể “đóng khung” truyền thống mà đòi hỏi có những thay đổi để bắt kịp xu hướng đó. Để gần với công chúng, văn hóa truyền thống phải có những biến tấu, thay đổi nhất định, quan trọng là khi thay đổi phải giữ được “hồn cốt”, những nét cơ bản. Không gian biểu diễn nghệ thuật cũng thế, nếu một chương trình sôi động mà vẫn giữ được nét riêng, không làm mất đi nét thuần phong mỹ tục thì điều có thể chấp nhận.

Cũng là vấn đề địa điểm tổ chức, nhớ lại năm 2019, khi chương trình đếm ngược diễn ra tại ngã 6: đường Hà Nội, Hùng Vương, Bến Nghé, Lê Quý Đôn, Đống Đa. Dư luận đã lên tiếng khi cho rằng việc tổ chức ở ngã 6 không phù hợp, gây cản trở giao thông, an toàn cho công chúng. Đến năm 2020, khi thông tin chương trình tổ chức tại Quảng trường Ngọ Môn cũng có những ý kiến trái chiều, dù nơi đây cũng được cho là địa điểm lý tưởng, có thể đón cùng một lúc hàng ngàn người mà không sợ ảnh hưởng đến giao thông, tính an toàn cho công chúng và du khách khi đến vui chơi.

Trong các ý kiến, nhiều người góp ý nên đưa những chương trình sôi động, như chương trình chào đón năm mới 2021 vào sân vận động, hay tại Trung tâm Thi đấu Thể thao tỉnh để tổ chức là tối ưu nhất. Ở hai không gian này, giới trẻ và công chúng có thể tha hồ “quẩy” mà không quá bận tâm đến yếu tố trang nghiêm, văn hóa nền.

Cũng từ tranh luận về địa điểm tổ chức các hoạt động, sự kiện ngoài trời để thấy rằng, Huế là vùng đất văn hóa, các chương trình biểu diễn nghệ thuật sẽ thường xuyên tổ chức. Đặc biệt là tại các kỳ Festival Huế, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Có một điều mà Huế cần làm sắp đến là định hình, xác định được những không gian tổ chức biểu diễn nghệ thuật, các sự kiện chính trị, văn hóa. Nên có một cuộc hội thảo mang tính công khai để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý thảo luận, tranh luận và phản biện để tìm được những địa điểm phù hợp theo từng sự kiện, hoạt động và mặc định cho các điểm tổ chức trong tương lai. Dĩ nhiên, đối với từng địa điểm phải có những tiêu chí riêng về thời gian, không gian tổ chức, âm lượng âm thanh, danh mục tiết mục, loại hình, thể loại chương trình sao cho tối ưu nhất có thể.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top