ClockChủ Nhật, 18/07/2021 05:50

Tô điểm không gian di tích

TTH - Bên cạnh hệ thống cây xanh, bonsai, không gian di sản thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế luôn được chăm chút, tô điểm bởi sắc màu của nhiều loại hoa, hài hòa với cảnh sắc nên thơ, hữu tình của thành quách cổ kính.

Gần 4 tỷ đồng đầu tư dự án chỉnh trang khu vực vườn mai trước Đại Nội

Chăm tưới vườn hoa tại Đại Nội

Hoa nở bốn mùa

Tháng 7 này, Đại Nội thơm ngát hương sen. Những bông sen trắng muốt, tinh khiết giữa đền đài, cung điện thâm nghiêm như tô điểm thêm vẻ đài các của chốn cung xưa, sang trọng mà tao nhã. Hơn 50 nghìn m2 sen trắng nở rộ ở khu vực các hồ Thái Dịch, Minh Giám, Hòa Bình và vườn Cơ Hạ là thành quả sau gần 2 tháng vun trồng.

Trước đó, vào tháng 6, thời điểm di tích Huế phải đóng cửa do dịch COVID-19, vườn hoa hướng dương khoảng 5 nghìn m2 cũng nở rộ ở khu vực điện Càn Thành thuộc cung Khôn Thái. Vườn hoa hướng dương rợp sắc vàng rực rỡ níu chân người qua, làm đẹp cho cảnh quan di tích.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, di tích vắng khách, có thời điểm phải đóng cửa nhưng không gian di sản vẫn được chăm chút khang trang, sạch đẹp. Hoa vẫn nở rộ, khoe sắc với sắc tím của dừa cạn, vàng óng của hướng dương, tinh khôi của sen trắng...

Dù nắng hạn hay mưa dầm, các khu di sản thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế luôn nở hoa suốt bốn mùa. Mùa nào hoa ấy, Phòng Cảnh quan - Môi trường thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu, tìm những loài hoa đẹp phù hợp với điều kiện, thời tiết để làm đẹp cho di tích. Mùa hè trồng những loài hoa chịu hạn, như: dừa cạn, hướng dương, cúc mặt trời…; mùa xuân có pháo đỏ, hồng ri, ngọc thảo, dạ yến thảo...

Anh Lê Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh quan – Môi trường cho hay: “Để điểm tô cho không gian di sản đẹp hơn, chúng tôi trồng hoa quanh năm. Thời tiết ở Huế vốn khắc nghiệt, mùa hè nắng hạn gay gắt, mùa đông mưa dầm, bão lụt nên việc lựa chọn giống hoa được nghiên cứu kỹ lưỡng đặc tính tùy theo điều kiện thời tiết của từng mùa, đảm bảo di tích luôn nở hoa suốt bốn mùa”.

Chăm hoa như chăm… con dại

Để phục vụ cho công tác chăm sóc, tôn tạo cảnh quan khu di sản, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng vườn ươm rộng 3,2 ha ở khu vực Văn Thánh. Ngoài trồng sen, cây kiểng, nuôi cá, một nửa diện tích của vườn ươm dành để trồng hoa. Trung bình, mỗi vụ vườn ươm sản xuất khoảng 40-50 nghìn cây hoa. Vào những dịp đặc biệt như lễ, tết hay Festival, vườn ươm chuẩn bị đến 100 nghìn cây hoa để trồng, trang trí thảm hoa cho các di tích.

Hoa được ươm giống tại vườn ươm

Vườn ươm có 13 người, trong đó có 3 kỹ sư nông nghiệp. Công việc của các kỹ sư ở đây là nghiên cứu, sưu tầm các chủng loại hoa đẹp, mới lạ đưa về trồng thử nghiệm. Loài hoa nào thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng ở Huế sẽ được nhân giống đại trà, sau đó đưa về trồng trang trí cho các điểm di tích. Hằng năm, Phòng Cảnh quan - Môi trường nhập các giống hoa về để lai tạo, trồng thử nghiệm. Chẳng hạn, hoa hướng dương được lựa chọn giống xuất xứ từ Thái Lan bởi sức chống chịu thời tiết, khí hậu cũng như sâu bệnh tốt. Giống sen trắng được sưu tầm từ các đình làng ở Huế...

Mỗi năm, vào hai vụ đông xuân và hè thu, vườn ươm nhân giống khoảng 25-30 loài hoa. Các loài hoa được thay đổi hàng năm, đa dạng chủng loại để tránh trùng lặp; hoặc cùng một loài hoa, vụ này trồng ở khu vực này, vụ sau trồng khu vực khác để thay đổi không gian.

Anh Hoàng Thế Hùng, Tổ trưởng tổ sản xuất hoa, Phòng Cảnh quan - Môi trường cho biết: “Những năm gần đây, việc trồng hoa ở di tích được mở rộng không gian nên số lượng khá nhiều. Chúng tôi thường xuyên sưu tầm những loài hoa có đặc điểm sinh trưởng vừa phù hợp với điều kiện thời tiết vừa phù hợp với không gian của di tích, để mang đến vẻ đẹp riêng, tạo điểm nhấn cho du khách thưởng lãm khi đến tham quan khu di sản”.

Ngoài trình độ chuyên môn, việc ươm giống hoa cần sự chăm sóc tỉ mỉ, cần cù, thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng của hoa để kịp thời xử lý sâu bệnh. Anh Hùng chia sẻ: “Mỗi loại hoa cần điều kiện, kỹ thuật chăm sóc khác nhau. Khó khăn nhất là thời tiết khí hậu của Huế khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến chất lượng giống hoa. Việc ươm, gieo giống đến khi ra ngôi rất công phu, đôi khi như chăm con dại”.

Anh Phan Văn Quý, Tổ trưởng tổ sân vườn số 4, Phòng Cảnh quan - Môi trường bộc bạch, khu vực di tích khá rộng lớn nên việc chăm sóc các vườn hoa cũng không dễ dàng. Những ngày nắng hạn, chúng tôi phải chăm tưới thường xuyên, mỗi ngày hai lần vào sáng sớm và chiều muộn. Vào mùa mưa bão, việc trồng hoa cứ phấp phỏng theo thời tiết, cứ mưa gió hư hại lại trồng dặm. Tháng 10 năm ngoái, sau nhiều ngày tôn tạo cảnh quan đảo Phương Trượng và Bồng Lai, khu vực hồ Tịnh Tâm đẹp rực rỡ với sắc màu của hoa hướng dương, dừa cạn, bách nhật, hàm tiếu... Vậy nhưng, sau một cơn bão, bao nhiêu mồ hôi, công sức của chúng tôi bị cuốn trôi theo dòng nước. Tuy vậy, mấy mươi năm gắn bó với công việc này, chúng tôi vẫn rất vui và hào hứng khi ngày ngày được trồng hoa làm đẹp cho cảnh quan di tích.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân

Ngày 16/2 (tức mồng 7 Tết), tại Triệu Miếu, Thế Miếu (Hoàng cung Huế) diễn ra lễ hạ nêu và khai ấn tặng chữ chúc xuân.

Hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân
Tô điểm sắc màu tết Huế

Cùng với công tác chỉnh trang và lập lại trật tự đô thị dịp giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, để phục vụ nhu cầu thưởng thức, vui chơi giải trí của người dân và du khách dịp tết cổ truyền, TP. Huế tổ chức Hội Xuân 2023 và các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân trên địa bàn.

Tô điểm sắc màu tết Huế

TIN MỚI

Return to top