ClockThứ Hai, 13/12/2010 13:45

Trang mới cho giáo dục vùng khó

TTH - Dự án Giáo dục tiểu học (GDTH) cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Thừa Thiên Huế được triển khai từ năm học 2003-2004 tại hai huyện Nam Đông và Phú Lộc, nơi có nhiều xã là đồng bào dân tộc ít người, nhiều xã vùng đầm phá, núi rừng, vùng dân cư hẻo lánh... điều kiện giáo dục còn khó khăn so với mặt bằng chung của Thừa Thiên Huế.

Sau 7 năm đi vào thực tế, Dự án GDTH với đối tượng là trẻ em thiệt thòi và trẻ em người dân tộc thiểu số đã xây dựng mới và cải tạo 95 điểm trường với 293 phòng học, 61 phòng nghỉ giáo viên, 65 nhà vệ sinh, 65 điểm cấp nước sạch với tổng kinh phí 35 tỷ đồng, góp phần tăng cường điều kiện đến trường ngày 2 buổi của học sinh vùng khó hai huyện Nam Đông và Phú Lộc. Đã có hơn 15.000 học sinh được hưởng lợi, biết bao nhiêu cuộc đời đã được ươm mầm tươi tốt hơn từ bước đi đầu tiên trên ghế nhà trường phổ thông.

Bắt đầu từ năm học 2003-2004 tại 42 trường và 72 điểm lẻ, Dự án GDTH cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến nay cải thiện cơ hội đến trường và nâng cao chất lượng của các dịch vụ giáo dục tại đây. Qua dự án, đội ngũ cán bộ, giáo viên của các trường, các điểm lẻ của hai huyện đã được chuẩn hoá thông qua các họat động bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp dạy, quản lý giáo dục theo hướng tích cực. Về chuyên môn cũng như quản lý các nội dung sư phạm của các đơn vị đã có thay đổi đáng kể trong tư duy hoạt động... Đặc biệt, các nhà giáo được tăng cường năng lực giảng dạy tiếng Việt ở nơi có học sinh thiểu số, nơi dạy lớp ghép, lớp hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Bên cạnh chuyên môn, cơ sở vật chất (CSVC), các điểm trường lẻ được cung cấp điều kiện dạy và học tương đương các điểm chính.
 
Với mục tiêu xây dựng trường học đạt mức chất lượng tối thiểu, ở từng huyện, Dự án GDTH đã đầu tư kinh phí để cải thiện điều kiện giảng dạy và hỗ trợ giáo viên, học sinh trên quy mô toàn huyện, trong đó đặc biệt quan tâm cho các trường đang ở mức dưới chuẩn. Hàng năm, dự án cung cấp đủ và kịp thời sách hướng dẫn dạy tiếng Việt, quan tâm bồi dưỡng tiếng Việt cho trẻ tiền phổ thông, đầu tư tài liệu hướng dẫn giáo viên, các môđun đào tạo cần thiết cho giáo viên dạy đối tượng học sinh vùng khó khăn; Khuyến khích và hỗ trợ phương pháp dạy, tiến hành các lớp bồi dưỡng, tập huấn để đội ngũ có thêm các kỹ năng, phương pháp mới.
 
 
Một điểm trường được đầu tư từ dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em vùng khó khăn ở Phú Lộc

Coi điều kiện dạy học là một tiêu chuẩn, dự án đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, góp phần cải thiện môi trường sư phạm. Trong quá trình hoạt động, dự án đặc biệt chú trọng đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ ở những vùng địa bàn hiểm trở, dân cư thưa thớt, các em thuộc các trường, các điểm trường không đủ điều kiện tối thiểu hoặc không có nguồn lực tài chính để có được môi trường giáo dục tối thiểu ở hai huyện vốn có địa hình rộng, nhiều điểm trường lẻ, nhiều cụm dân cư bị chia cắt về giao thông...
 
Với 7 năm đi vào cuộc sống, Dự án đã góp phần cải thiện môi trường sư phạm ở hầu hết các điểm trường, những khu nhà học, khu vệ sinh, các dịch vụ giáo dục theo định hướng trường đạt chuẩn đã đến được với những vùng đất khó khăn của hai huyện Phú Lộc, Nam Đông. Các trường trong dự án đã đảm bảo các tiêu chí về CSVC xanh-sạch-đẹp, có các biện pháp giáo dục hỗ trợ nhóm trẻ có nguy cơ bị thiệt thòi. Nhưng một tác dụng không nhỏ từ dự án là sự đánh động tư duy của các cụm dân cư dân trí thấp về vai trò của giáo dục, từ đó tăng cường sự tham gia của cộng đồng và phụ huynh vào việc xây dựng môi trường giáo dục tốt hơn cho con em… Đây là một thành quả không đo đếm được nhưng lại có giá trị thay đổi sâu sắc về tư duy cho không chỉ cộng đồng dân cư mà cả những người làm quản lý ở những vùng khó khăn.
 
Không chỉ điều kiện dạy và học thay đổi, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên trong khuôn khổ dự án cũng đã có nhiều chuyển biến. Trong 948 giáo viên, có 98% đạt chuẩn, trong đó 64% trên chuẩn. Đội ngũ lãnh đạo các cơ sở như hiệu trưởng, hiệu phó cũng được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, phương pháp hỗ trợ điểm trường lẻ. Sử dụng có hiệu quả CSVC dạy và học cùng các hoạt động giáo dục khác, nhất là những nơi tổ chức lớp ghép, lớp hoà nhập cho trẻ khuyết tật.
 
Theo đánh giá của lãnh đạo ngành GD&ĐT, chương trình hỗ trợ của Dự án thay đổi rất nhiều bộ mặt Giáo dục tiểu học hai huyện. CSVC của các điểm trường lẻ đã được tăng cường, đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo hướng đạt chuẩn. Mối quan hệ gia đình, nhà trường và địa phương ở các vùng giáo dục này vốn rất khó khăn nay đã trở nên thuận lợi. Việc huy động trẻ đến trường, chất lượng học tập của trẻ đã thay đổi, góp phần cơ bản cho việc giảm bớt tình trạng “ngồi nhầm chỗ”. Những điểm trường trường thuộc các xã có người dân tộc thiểu số, trẻ em được dạy chương trình tăng cường tiếng Việt chuẩn mực hơn, cơ hội hoà nhập, sự bình đẳng trong giáo dục cao hơn...
 
Với các giải pháp tích cực và đồng bộ, tỷ lệ học sinh tiểu học đến trường ở vùng dự án những năm gần đây đạt 98,23%. Tỷ lệ trẻ em 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,54% tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban từ 2,91% xuống còn 1,48%...
 
Dự án GDTH cho trẻ em vùng khó đã thực sự cải thiện cơ hội đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở hầu hết các cơ sở giáo dục vùng khó hai huyện Nam Đông và Phú Lộc. Nhưng đó có lẽ chỉ mới là tiền đề cho một sự phát triển mới. Một trong những mục tiêu của dự án là vận động sự tham gia của cộng đồng vào giáo dục, tăng cường vai trò của địa phương và phụ huynh để tạo nên mối quan tâm bền vững giữa nhà trường và gia đình xã hội, đánh thức giấc mơ vươn tới bằng tri thức của một vùng dân cư... Với 236 trường và 517 điểm lẻ của bậc tiểu học, dự án còn là một mô hình để ngành GD&ĐT cùng tỉnh đầu tư nâng cấp CSVC trường lớp cho các vùng khó khăn cũng như có chính sách để thực hiện quỹ hỗ trợ trường và điểm trường vùng khó khăn trên toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

TIN MỚI

Return to top