ClockThứ Ba, 04/10/2016 06:13

Triển khai các dự án sau kêu gọi đầu tư: Từng bước gỡ khó

TTH - Sau gần hai tháng, kể từ khi UBND tỉnh trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, đến nay, các nhà đầu tư đang hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án. Tuy nhiên, quá trình này mất khá nhiều thời gian và gặp không ít vướng mắc.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao do Vingroup triển khai ở một số địa phương trên cả nước

Không dễ triển khai

Dự án nuôi lợn giống sinh sản siêu nạc do Xí nghiệp Thành Lợi làm chủ đầu tư là 1 trong 14 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 được tổ chức đầu tháng 8 vừa qua. Nếu thuận lợi, chủ đầu tư sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 1, với tổng đàn 2.400 lợn nái và 70 con lợn đực. Kỳ vọng của chủ đầu tư là sẽ cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận đàn lợn giống chất lượng cao có nguồn gốc từ Thái Lan sau khi nuôi một thời gian ngắn. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy, vì gặp phải sự phản đối từ phía người dân nằm trong vùng dự án ở thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi (Quảng Điền). Họ cho rằng, dự án có thể sẽ hủy hoại môi trường, với quy mô lớn như thế, điều đó sẽ khó tránh khỏi, khi trên thực tế những trang trại, gia trại nhỏ hơn rất nhiều lần nhưng gây ô nhiễm không ít, về cả mùi hôi, nước xả thải, ruồi nhặng…

Một dự án được kỳ vọng và chờ đợi nhất trong chuỗi các dự án được cấp phép đầu tư năm nay và cũng là lần đầu tiên triển khai ở miền Trung, bởi tập đoàn có tiềm lực tài chính bậc nhất Việt Nam là dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến nay cũng gặp không ít vướng mắc, do số lượng người dân bị ảnh hưởng bởi dự án khá lớn, với khoảng hơn 1.000 hộ của hai phường Hương An và Hương Chữ (Hương Trà). Để thỏa thuận với chừng đó hộ dân về việc thuê lại đất nông nghiệp không phải dễ, khi đây là nguồn thu nhập chính, dù khoản tiền thuê đất được trả có thể đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của dân và chủ đầu tư. Thế nên, kế hoạch triển khai trong vòng 3 tháng sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư như kỳ vọng của chủ đầu tư e chừng còn khó.

Còn Công ty CP du lịch Mỹ An, thành viên của Tập đoàn Bitexco cũng đang tất tả hoàn tất các thủ tục, thay đổi thiết kế… để bắt tay triển khai dự án khu nghỉ dưỡng nước nóng Mỹ An Huế. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, quá trình này mất khá nhiều thời gian nên chưa thể trả lời lúc nào triển khai, chỉ biết rằng họ đang rất nỗ lực, cố gắng để sớm đưa dự án vào hoạt động.

Một số dự án khác cũng tương tự, bởi quá trình làm thủ tục khảo sát đất đai, lập báo cáo tiền khả thi, khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế thi công… có khi phải mất hàng năm trời mới hoàn thành. Do đó, việc triển khai ra thực tế có thể còn lâu.

Tháo gỡ dần dần

Giám đốc Xí nghiệp Thành Lợi, ông Lê Minh Lợi khẳng định, sẽ tìm cách tháo gỡ khó khăn để triển khai bằng được dự án. Cách mà doanh nghiệp này đã làm là phối hợp với địa phương để giải thích thuyết phục người dân, trong đó chú trọng vai trò của các đoàn thể, tổ chức Đảng, chính quyền…

Ông Lợi cho rằng, về cơ bản dự án đảm bảo xử lý tốt các vấn đề về môi trường bằng việc đầu tư hệ thống xử lý với vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Hơn nữa, phương pháp nuôi mới, khép kín theo công nghệ tiên tiến nên không có chuyện đánh đổi thương hiệu doanh nghiệp vì các vấn đề về môi trường. Thế nên, doanh nghiệp cùng với lãnh đạo huyện, xã tổ chức họp dân để giải trình, thuyết minh về dự án.

Chủ đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặt nhiều kỳ vọng sẽ triển khai thành công ở Thừa Thiên Huế. Lợi thế của dự án là được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thị xã Hương Trà… Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, dù khó khăn đến đâu, tỉnh cũng quyết tâm cùng chủ đầu tư triển khai dự án này. Khi đi vào vận hành, hứa hẹn đem lại cho Huế nguồn cung ứng rau, quả và các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn như mục tiêu hướng đến của thành phố xanh, tăng trưởng xanh…

“Nếu để lỡ cơ hội này, nhà đầu tư đi tỉnh khác, Huế sẽ hết cơ hội. Vì thế, lãnh đạo tỉnh xác định phải tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn, quyết tâm làm tới cùng để dự án đi vào hoạt động”, ông Định nói.

Các công ty thành viên của Bitexco cũng đang khẩn trương, chạy đua với thời gian để hoàn thành các thủ tục để triển khai các dự án, gồm khu nghỉ dưỡng nước nóng Mỹ An, khu du lịch sinh thái đầm Lập An, tuyến đường Mỹ An-Thuận An, Tố Hữu nối dài đến sân bay Phú Bài.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thừa Thiên Huế năm 2016, lãnh đạo Tập đoàn Bitexco khẳng định, đã có sự cân nhắc khi lựa chọn đầu tư vào Thừa Thiên Huế. Bitexco là tập đoàn lớn, hoạt động ở nhiều lĩnh vực, với nhiều dự án đã đầu tư đi vào hoạt động hiệu quả trong và ngoài nước. Vì thế, việc triển khai các dự án ở Huế nằm trong tầm tay.

Có 20 dự án được ký kết, đồng ý chủ trương, thỏa thuận hợp tác đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, trong đó, có 14 dự án trao quyết định đầu tư, 2 dự án đồng ý chủ trương đầu tư và 4 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 7.744 tỷ đồng. Hiện, 100% dự án được trao chứng nhận đầu tư đã có những bước khởi động cần thiết để triển khai dự án.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Return to top