ClockThứ Tư, 14/09/2022 14:23

Trở lực khi doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

TTH - Khái niệm về kinh tế tuần hoàn (KTTH) không còn xa lạ đối với mỗi doanh nghiệp (DN) dù đang hoạt động ở lĩnh vực nào. KTTH đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN và xã hội, song, việc áp dụng mô hình này vào thực tiễn ở các DN vẫn còn những rào cản.

Kết nối chuyển đổi kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệpXây dựng năng lực kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệpThúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn

Nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp quan tâm áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững, hiệu quả

Chưa nhiều

Đại diện Sở KH&CN nhận định, một sản phẩm muốn tồn tại bền vững thì sản phẩm đó phải thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, điều kiện làm việc của công nhân phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, một số tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, trách nhiệm xã hội… được đặt ra và trở thành bắt buộc áp dụng đối với các DN khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để đáp ứng được các yêu cầu này, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã ban hành các tiêu chuẩn như: ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000, ISO 50001, ISO 17025. Các công ty đa quốc gia trên thế giới cũng đưa ra các tiêu chuẩn như: IWAY - Môi trường, trách nhiệm xã hội và điều kiện làm việc đặt ra cho các nhà cung cấp sản phẩm, nguyên liệu và dịch vụ, WRAP - trách nhiệm sản xuất hàng dệt may toàn cầu, OHSAS 18001, 5S, Kaizen, Lean…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 7.000 DN đang hoạt động, trong đó, đa số là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô, tiềm lực của phần lớn DN hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp, nhiều DN thiếu vốn nên chỉ sản xuất cầm chừng, một số phải ngừng sản xuất, kinh doanh (SXKD). Toàn tỉnh hiện có khoảng 150 DN đã và đang áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, trong đó có 60 DN áp dụng Tiêu chuẩn ISO 9000 (thuộc các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc), 30 DN áp dụng Tiêu chuẩn ISO 22000/HACCP (thuộc các lĩnh vực sản xuất thực phẩm), 20 DN áp dụng Tiêu chuẩn VietGAP (cho lĩnh vực trồng trọt), 8 DN áp dụng ISO 14000, 7 DN áp dụng ISO 17025, 5 DN áp dụng công cụ 5S, còn lại 20 DN áp dụng các công cụ khác như ISO 13465 (hệ thống quản lý chất lượng trong y tế), GMP, SA8000...

Nhờ áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến để đi theo mô hình kinh tế xanh, KTTH đã đem lại nhiều lợi thế cho DN, từ việc tiếp cận được nhiều cơ chế hỗ trợ cho đến tiết giảm chi phí sản xuất, giúp gia tăng lợi nhuận cho DN, lao động việc làm...

Còn lắm rào cản

Sẽ đem lại nhiều lợi thế cho DN khi áp dụng mô hình KTTH, song thực tế số lượng DN trên địa bàn đầu tư cho KH&CN để cải tiến hệ thống máy móc, nâng cao năng suất, chất lượng còn ít. DN nhỏ và vừa của tỉnh gặp không ít khó khăn, hạn chế do phải vượt qua các rào cản kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa không ổn định, năng suất thấp, chưa tạo dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu trong tiến trình hội nhập. Một trong những nguyên nhân chủ yếu lại là do năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ trong các DN nhỏ và vừa còn ít, chưa quan tâm đến KTTH. Chính vòng luẩn quẩn này vẫn lặp đi lặp lại khiến nhiều DN đang rất khó xử.

Ngành KH&CN cũng chỉ ra một bất cập khác. Đó là, dù có những nỗ lực trong hoạt động quản lý và cung ứng dịch vụ tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn, nhưng hoạt động đào tạo chuyên gia về năng suất, chất lượng trong DN, hoạt động tư vấn, chứng nhận về các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy ở Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong đó, năng lực tư vấn của các tổ chức tư vấn trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu của các DN, trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức nào được chỉ định hoạt động chứng nhận sự phù hợp theo Nghị định 107 ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.

Năng lực đào tạo đội ngũ chuyên gia, giảng viên về năng suất, chất lượng chưa được áp dụng vào hệ thống đào tạo của Đại học Huế. Do đó, cần có một công trình nghiên cứu ở cấp quốc gia, triển khai chương trình đào tạo năng suất, chất lượng cho sinh viên khu vực miền Trung và Tây Nguyên gắn với công tác đào tạo tại Đại học Huế, từ đó hình thành đội ngũ chuyên gia về năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tỉnh nói riêng và cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói chung, từng bước thực hành đào tạo và triển khai áp dụng vào hoạt động SXKD của DN.

Nhận thức của DN liên quan đến hoạt động ứng dụng tiêu chuẩn hóa trong phát triển kinh tế xanh, KTTH, nông nghiệp hữu cơ còn chưa cao, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gạo, dịch vụ du lịch...

Đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ở địa phương còn thiếu, chưa đủ nhân lực để thực hiện công tác kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng ở một số lĩnh vực kinh doanh hàng đóng gói sẵn như: sữa, gạo, vật liệu xây dựng, dầu tràm, khí gas...

Để không bị kéo dài, chậm trễ trong việc đổi mới sản xuất mang tính bền vững theo hướng kinh tế xanh, KTTH, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi DN cần chủ động và phát huy nội lực để thay đổi. Nói cách khác, DN muốn thực hiện mô hình KTTH trước hết cần tận dụng thành tựu KHCN vào việc đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo; từ đó làm bệ đệm để tiến hành các bước tiếp theo trong chuỗi mô hình KTTH tại DN.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

TIN MỚI

Return to top