Thế giới

Trung Quốc dọa thành lập ADIZ ở Biển Đông, Mỹ và ASEAN phản đối

ClockThứ Hai, 11/05/2015 17:21
TTH.VN - Trung Quốc tuyên bố sẽ bảo lưu quyền thiết lập Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, điều khiến cả Mỹ và ASEAN không khỏi lo ngại.

Hãng tin Bloomberg ngày 10/5 cho biết, trong tuyên bố ngày 7/5 của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh: “Trung Quốc được quyền thiết lập các ADIZ và quyết định thiết lập ADIZ hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu không phận của Trung Quốc có bị đe dọa hay không và mức độ đe dọa đó”.  

 
Trung Quốc rầm rộ cải tạo một bãi đá ở Biển Đông (Ảnh CSIS)

Trước đó, cùng ngày, tờ Daily Inquirer của Philippines dẫn lời Phó Đô đốc Alexander Lopez phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện Philippines rằng Trung Quốc đã phát tín hiệu radio “xua” 7 máy bay tuần tra của nước này hoạt động trong nhiều thời điểm khác nhau trên Biển Đông. 

Những cảnh báo trên của phía Trung Quốc đã gây ra căng thẳng trên Biển Đông, nơi nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền lên hầu khắp khu vực và gây tranh chấp với nhiều quốc gia láng giềng. 

Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn bị tố là đang tiến hành cải tạo rầm rộ nhiều bãi đá trên Biển Đông thành các đảo nhân tạo. 

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nhấn mạnh: “Tuyên bố trên của phía Trung Quốc gây quan ngại cho các nước khác bởi Trung Quốc đang hành xử như thể họ đã thiết lập ADIZ trên Biển Đông mặc dù chưa đưa ra tuyên bố chính thức”. 

Ông Ian Storey, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu về Đông Nam Á tại Singapore, nhận định: “Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông, thì các nước trong khu vực sẽ coi đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng tự do hàng hải và là hành động làm leo thang những nghi ngờ về ý định thực sự của Trung Quốc cũng như việc liệu Trung Quốc có thực thi đúng những cam kết của nước này về việc tuân thủ các quy định quốc tế hay không”. 

Tư lệnh Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear cảnh báo, việc Trung Quốc cải tạo các bãi đá ở Biển Đông có thể giúp Trung Quốc nắm quyền kiểm soát thực sự trong khu vực. Ông Locklear cũng mô tả tốc độ cải tạo các bãi đá của Trung Quốc là “rất khủng khiếp”. 

Điều này cũng khiến Philippines cực kỳ quan ngại bởi các tàu của Trung Quốc cũng đã nhiều lần ngăn chặn tàu cá của ngư dân Philippines tiếp cận các vùng biển mà Trung Quốc ngang nhiên “coi là của mình”. 

“Đó là lý do tại sao Philippines cần phải lên tiếng phản đối việc Trung Quốc muốn áp đặt quyền kiểm soát trong khu vực và kêu gọi Mỹ ủng hộ mình trong việc ngăn chặn Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông”, ông Richard Javad Heydarian, Giáo sư về Địa- Chính trị tại Đại học De La Salle, Philippines nhận định. 

Để đối phó với Trung Quốc, Mỹ và Philippines vào tháng 4 vừa quan đã tổ chức một cuộc tập trận có quy mô lớn nhất trong nhiều năm qua với sự tham gia của 11.000 binh sĩ, trong đó có các binh sĩ của Australia. 

Không chỉ có Philippines, lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN vào tháng 4 cũng đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về hành vi cải tạo rầm rộ các bãi đá trên Biển Đông. 

“Ngay cả các quốc gia thận trọng nhất trong ASEAN cũng đã nhận thức được sự cần thiết phải đối mặt hoặc ít nhất là tìm ra một sự đồng thuận trong việc cùng hành động để ngăn chặn việc làm đó”, ông Gregory Poling, một chuyên gia về Đông Nam Á hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Washington Mỹ nhận định. 

“Nếu mục tiêu của họ là thuyết phục Bắc Kinh rằng cái giá mà họ phải trả khi làm việc này- bao gồm việc mất đi thứ “sức mạnh mềm” cũng như niềm tin của các nước vào các cam kết của Trung Quốc- còn lớn hơn cả các lợi ích mà Trung Quốc đạt được khi muốn chiếm lấy Biển Đông, thì việc tạo ra một sự đồng thuận chung là cách duy nhất mà ASEAN cần làm”, ông Poling nói thêm.

Trần Khánh (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top