ClockThứ Năm, 30/07/2015 23:09

Tự đánh vào tay mình

TTH - Thú thật là tôi đã cảm thấy choáng khi đi thực tế công nghệ nuôi tôm sạch của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P) tại huyện Phong Điền. Choáng không phải vì các quy trình chăm sóc được thực thi một cách nghiêm ngặt để tôm nuôi đạt hiệu quả theo đúng yêu cầu bao gồm con giống, thức ăn… mà còn vì hệ thống ao hồ trong nhà kín được đầu tư một cách bài bản. Ngay từ khi chuẩn bị bước vào hồ tôm, chúng tôi đã buộc phải thay giày, dép bằng ủng chuyên dụng và bước vào vùng nước sát trùng. Muốn bước vào hồ tôm cũng buộc phải rửa tay bằng thuốc tím. Đó cũng mới chỉ là những yêu cầu đầu tiên và cơ bản trong việc quản lý các hồ nuôi tôm cũng như quản lý rủi ro từ những tác động bên ngoài. Điều này cũng giải thích vì sao C.P luôn làm chủ được nguồn nguyên liệu trên diện tích hơn 210 ha, đảm bảo được sản phẩm cho các thị trường lớn trong và ngoài nước.

Không thể so sánh một siêu dự án ở vùng nuôi tôm với những cơ sở nuôi tôm đang có của các công ty, cơ sở sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, việc nuôi tôm có trách nhiệm (đảm bảo chất lượng sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững, với môi trường và an sinh cộng đồng) không hoàn toàn phụ thuộc vào dự án quy mô lớn. Nếu không đạt đến sự hài hòa, cân bằng và có trách nhiệm thì sự phát triển nếu có, cũng chỉ là phát triển nóng, trong một thời gian ngắn ngủi nào đó. Quan sát một cách trực diện, có thể nhận thấy ngoài quy trình nghiêm ngặt về nguồn nước được dẫn vào để nuôi tôm hay nguồn xả thải đều được kiểm soát, môi trường xung quanh các hồ nuôi tôm cũng rất sạch. Chỉ điều này thôi cũng đã tạo nên sự khác biệt của C.P so với các hồ nuôi tôm khác mà chúng tôi qua. Ở đó, rác, bao nilon, bao dứa đựng thức ăn cho tôm và nhiều loại khác vung vãi trên các bờ ao, kênh thoát nước hay những vùng lân cận.

Mới đây nhất, các cơ quan báo chí cũng đã nhận được nhiều thông tin từ người dân quanh các vùng nuôi tôm về việc xả thải trong nuôi tôm không qua xử lý, ảnh hưởng đến môi trường ngày một dầy hơn. Nước ở đó thường bị sẫm màu, người dân đã bắt đầu ngần ngại do họ bị ngứa, dị ứng sau mỗi lần tắm biển và việc đánh bắt gần bờ cũng không còn được như xưa nên nhiều ngư dân đã bỏ nghề, đi tìm công việc khác để sinh nhai. Phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch và thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng trong khi nuôi tôm vốn nhiều rủi ro và rất nhạy cảm với môi trường, dịch bệnh là trao đổi của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước thực trạng đang có. Hướng xử lý để khắc phục sẽ được triển khai từ phía các cơ quan chuyên môn cũng như các cơ quan chức năng. Yêu cầu về tính thường xuyên, những giải pháp cũng như những chế tài phải có tính khả thi là điều mà nhiều người đặt ra và chờ đợi.

Nhưng trước hết, tôm chết thì thiệt người nuôi tôm. Thế nên dù là quy mô nhỏ cũng cần phải có một quy trình nghiêm ngặt của quy mô nhỏ. Hiện thì tôm nuôi của các cơ sở vẫn phập phù đầu ra khi chưa đáp ứng được các yêu cầu của C.P; môi trường thì bị tác động tiêu cực. Đến đây thì tôm chết không chỉ thiệt người nuôi tôm nữa mà việc không đảm bảo các quy trình còn tác động đến môi trường sống, đến cây cối, đến mùa đánh bắt gần bờ và việc người dân không tìm đến các bãi tắm vốn rất có tiềm năng vào mùa hè đã làm cho cơ hội làm ăn của những người làm dịch vụ mỏng đi. Nói một cách khác, đó là một cách tự đánh vào tay mình khi phải trả giá quá đắt cho những chi phí cơ hội phát sinh.

Bình Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top