ClockThứ Tư, 01/06/2011 21:54

Ưu thế của siêu thị

TTH - Một thực tế thuộc diện... “ngạc nhiên chưa?!” diễn ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2001 đến nay, đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán Tân Mão là giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm ở các siêu thị vẫn bình ổn và rẻ hơn sản phẩm cùng loại tại nhiều chợ. Sự chênh lệch giá một cách rõ ràng trong bối cảnh “tiền thua, gạo kém” khiến các siêu thị trở thành “nơi đi chợ” không chỉ của “giới ăn lương”, mà cả với nhiều người nội trợ thuộc “giới lao động phổ thông”. Qua “sóng gió” của thị trường, hệ thống các siêu thị càng khẳng định rõ ưu thế của mình đối với người tiêu dùng trong quá trình phát triển.

Công bằng mà nói, việc bình ổn giá ở mức thấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm của các siêu thị sau tết nguyên đán một phần nhờ vào chính sách trợ giá các mặt hàng thiết yếu của tỉnh. Cái chính là thế mạnh của tính hệ thống trong việc tổ chức thu mua, phân phối mang tính khoa học, chủ động, minh bạch và tích cực của các siêu thị. Nó khác hẳn với phương thức mua bán “tôm cá đắt rẻ theo buổi chợ” và “tát nước theo mưa” của nền thương mại truyền thống lâu nay.


Siêu thị Thuận Thành 2 - một địa chỉ mua sắm an toàn, tiết kiệm
Gần đây, nhiều người quan tâm đến sự bất cập trong chuỗi sản xuất - phân phối sản phẩm truyền thống ở nước ta và cho rằng, đây chính là “thủ phạm” sự tăng giá quá mức của sản phẩm hàng hoá; đồng thời gây nhiễu loạn thị trường trước những biến động. Đơn cử, một bó rau muống bán tại ruộng chỉ 4.000 - 5.000 đồng, nhưng về tới chợ đầu mối, chợ bán lẻ giá đã lên đến 8.000 - 10.000 đồng. Tương tự, một cân đường giao ở nhà máy chỉ 17.000 đồng, nhưng về tới chợ đã vượt lên mức 24.000-25.000 đồng. Chi phí vận chuyển, nhiều tầng nấc trung gian trong phân phối, qui mô kinh doanh nhỏ và nhiều chi phí khác đã đội giá thành sản phẩm lên một cách khổng lồ. Rất nhiều sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, giá đã tăng lên nhiều lần, khiến chi phí lưu thông nhiều khi cao hơn chi phí sản xuất cấu thành trong sản phẩm hàng hoá khi đến tay người tiêu dùng. Cùng với chi phí vận tải, chi phí trung gian... tính minh bạch trong việc mua bán hàng hoá đang đẩy người sản xuất vào thế bị ép, người tiêu dùng bị thiệt... Trong bối cảnh kinh tế lạm phát, khâu phân phối bất cập, qua nhiều tầng nấc... khiến các đầu nậu và cả người bán lẻ có điều kiện thao túng giá khi có cơ hội.
Vượt lên những hạn chế và bất cập của hệ thống phân phối truyền thống, các siêu thị đã khẳng định sức mạnh của một nền thương mại văn minh và hiện đại bằng tính hệ thống và tính kế hoạch hoá trong các khâu tổ chức sản xuất, thu mua, vận chuyển, phân phối... một cách chuyên nghiệp các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ... Theo đó, sản phẩm hàng hoá ở các siêu thị luôn có chất lượng bảo đảm, an toàn về vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý, được niêm yết công khai, luôn ổn định... Đó là những yếu tố để siêu thị thu hút ngày càng đông khách hàng.
Tại Thừa Thiên Huế, tiếp sau Thuận Thành, Co.opMart và Big C đã khẳng định vị thế của mình với khách hàng. Được biết, hiện Co.opMart là đầu mối phân cho trên một ngàn nhà sản xuất, dịch vụ trong và ngoài nước cung cấp với gần 15 ngàn mặt hàng với mức giá có tính cạnh tranh; trong đó, có trên 400 sản phẩm mang thương hiệu riêng với giá thấp hơn sản phẩm cùng loại. Tương tự, Big C và Thuận Thành cũng có hệ thống cung cấp sản phẩm phong phú, đa dạng từ các nhà sản xuất và những lợi thế riêng của mình. Ngoài việc cung ứng hàng hoá cho thị trường với mức giá ổn định, các siêu thị còn góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho nhiều cơ sở sản xuất thông qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Con số 5 tỷ đồng giá trị hàng hóa được Big C ký kết tiêu thụ của 9 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất địa phương” năm ngoái đã khởi đầu cho cái bắt tay đầy trách nhiệm của các bên trong việc liên kết giữa các nhà sản xuất và phân phối. Lâu nay, Thuận Thành và Co.opMart cũng đã bắt tay với nhiều cơ sở sản xuất nông - thuỷ sản trên địa bàn tỉnh để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững.
Hy vọng, bằng ưu thế của mình, hệ thống siêu thị tiếp tục phát triển một cách sâu rộng hơn, góp phần tích cực hơn vào sự phát triển của nền kinh tế xã hội của tỉnh nhà; đồng thời, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trên lĩnh vực thương mại còn nhiều bất cập như hiện nay.
Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top