ClockThứ Sáu, 16/10/2015 07:15

“Cái đẹp” chưa gần với công chúng

TTH - “Các nghệ sĩ vẫn thường thích tổ chức biểu diễn, triển lãm… ở những nơi sang trọng. Vì thế, rất khó để nghệ thuật gần với công chúng bằng một chương trình gì đó gọi là đường phố”, nhà thơ Võ Quê nhận định.

Các em học sinh còn được tham gia vẽ tranh khi tham quan phố tranh Lê Ngô Cát

Khoảng cách

Ai đã có dịp ra phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu vào buổi tối gần đây sẽ được thưởng thức ca Huế do các em sinh viên Học viện Âm nhạc Huế biểu diễn. Dù các em mới đi hát, song không thể phủ nhận chính việc biểu diễn này đã góp phần quảng bá, đưa ca Huế gần hơn với người dân và du khách. Ông Trần Quang Hào, Trưởng ban quản lý phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu cho hay, từ khi các chương trình biểu diễn nghệ thuật được triển khai đã làm tăng sự hấp dẫn cho con phố, thu hút nhiều người đến hơn.

Tuy nhiên, nhìn chung tần suất và tính cộng đồng của các chương trình vẫn khá khiêm tốn. Chẳng hạn như những cuộc triển lãm tranh, đa số được tổ chức trong không gian sang trọng, hội trường lớn. Người đến tham gia và thưởng thức nghệ thuật chỉ là những người quen biết trong “giới nghệ thuật”. Điều đáng tiếc nhất là sau buổi khai mạc hoành tráng đó, cuộc triển lãm xem như “đã xong” vì không ai đến nữa, dù thông thường một cuộc triển lãm kéo dài cả tuần lễ, thậm chí là lâu hơn.

Giới trẻ biểu diễn tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu

Trong một lần trò chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Hiển, chúng tôi được nhà văn chia sẻ, ở Huế, các loại hình nghệ thuật chưa tiếp cận được với đông đảo công chúng. Còn một khoảng cách rất lớn giữa những con người bình dị nhất trong xã hội như công nhân, lái xe, người bán hàng… với nghệ thuật. Mà nghệ thuật là “cái đẹp”, mỗi tác phẩm từ văn chương, âm nhạc đến hội họa… đều mang trong mình một giá trị thẩm mỹ nhất định, góp phần hướng đến một xã hội “chân, thiện, mỹ”. Khi các loại hình nghệ thuật đi ra nhiều không gian, từng con phố có thể là giải pháp hay để làm tăng nét đẹp, sự tươi mới cho thành phố du lịch như Huế. Không những thế, nếu làm hiệu quả thì còn góp phần điều chỉnh hành vi, hướng đến cái đẹp.

Nhà thơ Võ Quê nhận định: “Ở Huế có rất nhiều địa điểm, không gian lý tưởng để đưa nghệ thuật gần hơn với công chúng. Những tuyến phố, vỉa hè cũng có thể tổ chức triển lãm nghệ thuật để người đi đường ngưng lại, cùng nhìn nhận và “cảm” cái đẹp, có những phút giây thảnh thơi sau thời gian bộn bề với công việc. Ngay ở hai bên đường đi bộ của cầu Trường Tiền cũng có thể trưng bày tranh, ảnh để người dân và du khách đi qua cùng thưởng thức. Tuy nhiên, rào cản chính là tâm lý của các nghệ sĩ, nhiều người vẫn thích tổ chức biểu diễn, triển lãm…ở những nơi sang trọng, hội trường, khách sạn… vì thế rất khó để nghệ thuật gần với công chúng bằng một chương trình gì đó gọi là đường phố”.

Cần thêm những chương trình

"Nghệ sĩ Vĩnh Tuấn cùng với vợ và các con của ông thành lập ban nhạc Tứ Tuyệt, gồm đàn tranh, nhị, nguyệt để biểu diễn tại phố đi bộ ở TP. Hồ Chí Minh. Còn ở Huế khó có những con người như nghệ sĩ Vĩnh Tuấn", nhà thơ Võ Quê chia sẻ thêm.

Trong ba kỳ Festival Huế gần đây, con đường Lê Ngô Cát (phường Thủy Xuân, TP Huế) từ một con phố bình thường như bao con đường khác trở thành “phố tranh” độc đáo dưới sự sắp đặt của nhóm họa sĩ Zero Studio. Hàng nghìn bức tranh được trưng bày hai bên đường, thu hút không chỉ du khách trong nước mà nhiều du khách quốc tế đến tham quan. Họa sĩ Nguyễn Duy Hiền, Trưởng nhóm Zero Studio, tâm sự: “Khi lên ý tưởng cho phố tranh, chúng tôi luôn đặt tính cộng đồng là tiêu chí cao nhất. Từ những người già đi thể dục buổi sáng sớm, những người lái xe ôm, những em học sinh… đặc biệt là du khách khi đi qua con phố sẽ cùng dừng lại để thưởng thức nghệ thuật. Không những thế, chúng tôi còn để nhiều tấm toan trắng, màu, cọ… đó là những dụng cụ mà người dân, khách du lịch trở thành chủ thể khi cùng giao lưu và có thể tự làm “họa sĩ” trong vài phút”.

Nhà thơ Võ Quê chia sẻ: “Trước đây, tôi và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức một cuộc triển lãm sách bằng thuyền rồng trên sông Hương, đó là lần đầu tiên được tổ chức và kết quả thật bất ngờ khi tất cả sách đều được bán hết. Nếu tổ chức triển lãm ở một địa điểm là văn phòng, hội trường, trụ sở nào đó thì chỉ đón khách lúc khai mạc, sau đó hầu như khách không còn đến nữa. Còn tổ chức trên sông Hương thì ngày nào cũng đón khách, nếu một ngày đón 90 khách thì trong khoảng 10 ngày triển lãm sẽ đón 900 khách. Với 900 khách đó không chỉ một nước, một thành phố mà là nhiều nước, nhiều vùng miền khác nhau… vô hình chung không chỉ bán được sách mà tăng khả năng quảng bá hình ảnh quê hương. Tương tự, các cuộc triển lãm tranh ảnh cũng có thể tổ chức hiệu quả trên sông Hương”.

“Nếu có dự án hay chương trình triển lãm tranh ở một số tuyến phố trung tâm thành phố nào đó hay phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu thì anh có tham gia?”- là câu hỏi của chúng tôi với họa sĩ Nguyễn Duy Hiền trước lúc ra về. Họa sĩ khẳng khái: “Có chứ, tôi sẽ mang tranh về triển lãm, bao nhiêu cũng được nếu có người mời tôi. Dù tranh có mất hay hư hỏng tôi cũng chấp nhận, tất cả là vì nghệ thuật được đến gần hơn với công chúng”.

Đức Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam
Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản

Ngày 4/5, Trường Cao đẳng (CĐ) Huế tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị 42-CT/TU của Tỉnh ủy, thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản
Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân (Phú Vang) diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức.

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”
Return to top