ClockChủ Nhật, 28/01/2018 16:53

Áo dài - quen và lạ

TTH - Huế đã bắt đầu vào mùa cận tết. Cái cận tết gần đến mức có thể chạm vào rổ gừng tươi của bà cô nơi chợ đang hăm hở bào lát cho dì kia về nhà xào, sấy, rồi vựa cúc cũng dần tắt đèn để đợi hoa nở đúng ngày, hay nhiều gian hàng nơi chợ đã bắt đầu bày la liệt mứt hoa, bánh trái đủ màu chờ lên mâm cho đẹp. Tết của ngày trước, mấy cô mấy chị xúng xính áo dài, quần gấm đủ kiểu. Vậy mà sau chừng mươi mấy năm, tuy làng mốt giờ vẫn chuộng bộ đầm truyền thống, nhưng chí ít cũng phải ra mẫu áo dài cách tân chứ không kín cổng cao tường như hồi xưa nữa. Tết của ngày hiện đại, bóng dáng của tà áo dài trước, cũng ít dần.

Mấy bạn gái chỉ đợi đến lễ để xúng xính váy hoa. Ảnh: Phước Minh

Tôi không rõ áo dài truyền thống có mặt từ khi nào và vốn chữ “cách tân” có mặt ra sao, nhưng cũng mang máng nhớ trong mấy bức ảnh xưa cũ đã thấy các bà, các mẹ uyển chuyển trong chiếc áo dài cổ thuyền đầy màu sắc. Hẳn đó không phải là một bước đột phá gì quá dài, nhưng vào những ngày còn đen trắng thì đấy cũng gọi là có cách tân chút đỉnh. Mặc dù không chắc chắn về việc tà áo đã được tân tiến bao nhiêu lần qua bàn tay của những nhà thiết kế nổi tiếng như Minh Hạnh, nhưng mãi đến một năm trước, giới trẻ mới thực sự thay thế các mẹ, các cô xứ Huế khoác trên mình trang phục này để tung tẩy ngoài những ngày đi học. Tôi cũng còn trẻ, nên cũng vài lần tặc lưỡi hằn học với đường chiết eo ôm gọn hay vành cổ cứng. Cái suy nghĩ sẽ chỉ mặc áo dài cho buổi chào cờ được nước theo chân thật lâu, rồi cũng chợt buông khi ánh mắt bắt vào nét trẻ trung của mẫu áo dài đầy mới mẻ.

Quán nào cũng theo mốt bày bán áo dài cách tân để chiều lòng khách

Ngày đó của một năm trước, cứ ra đường những hôm giáp tết là lại thoáng thấy mấy vạt xanh, đỏ lượn chợ hoa làm vài pô ảnh. Để nói cho đúng, thì mãi đến lúc này, áo dài đã không còn nhiều dáng dấp của sự e ấp ngày Huế xưa, mà kỳ thật là gọi “áo dài” cũng đôi phần chưa tỏ, vì chẳng có áo vạt áo truyền thống nào được cắt lên tận bắp chân hoặc ngắn hơn, rồi quần lụa, quần gấm thướt tha ngày xưa đều thay bằng váy ngắn, quần jean cả. Giải thích cho cách kết hợp oái oăm này, “trẻ” bảo: Trẻ thích cái gì thì phối với cái ấy. Miễn hợp mắt và thoải mái là được. Tôi cũng còn trẻ, lại hợp mắt nên gục gặc đồng ý liền.

Áo dài ngày nay, phối với quần hay váy ngắn mới là hợp mốt

Trong suy nghĩ của mọi người, thì Huế và áo dài của Huế hẳn sẽ luôn song hành cùng dáng người thon gọn, nhẹ nhàng. Nhưng áo dài cách tân thì khác. Điều này nổi rõ nhất khi đến cả bé em nhà mình form cũng hợp dáng thể thao mà cũng khoái cái bồng bềnh này dữ dội. Mấy lần nàng vận bộ đầm mẹ mua cho, rồi thích thú xoay ngang xoay dọc chụp chụp, tôi cũng vui ra mặt, dù không không biết là nàng hào hứng vì sắp cho ảnh mới để chờ like, hay trông vui vì đôi công, đôi phượng trên vạt áo lạ chẳng giống ngày thường. Mà tụi trẻ này hay nhỉ. Như cái vui thích từ sự khấp khởi trong lòng của lớp học trò đã ra trường hiếm dịp được thướt tha nên mê thì chẳng nói, đây tụi này cứ trông mưa để chối đây đẩy nhiệm vụ được giao, rồi giờ lại chờ đến dịp để ăn vận áo dài này, váy dài khác. Thế mới hiểu, những cái mới mới bắt mắt và thu hút đến chừng nào.

Rồi nét cách tân thế mà hay, lấy lòng được biết bao nhiêu lứa “người hâm mộ”. Dạo trước tôi còn chắc nụi khẳng định áo dài mới chỉ hợp với tụi trẻ - cái lứa năng động trẻ trung, thế mà thật tình là người lớn cũng “chằm hăm” ghê lắm. Như mẹ tôi và mấy dì chẳng hạn, cứ mỗi lúc hội họp, cưới xin là thể nào hàng cúc gài cũng chỉ dừng ở đường chân cổ 3 phân, hoặc được cắt lên thành vành tay ngắn, mở rộng hông suông chứ khó mà tôn vòng eo hay đại khái thế được.  Tôi không định bụng hỏi liệu mẹ thích nó đến thế nào, nhưng chực thấy trong tủ áo quần của mẹ và những người chị gái ngập tràn kiểu này, dáng kia và cả tấm áo dài chất thun cứ thế tròng vào là đẹp thì câu trả lời là gì biết tỏng. Áo dài thời mới, ngó thế mà cũng ra trò.

Dù đã có mặt phải hơn một năm trước, nhưng giờ mấy mốt diện này vẫn rình rang trên kệ của biết bao hàng quán, cửa hàng. Cô này thấy bạn mình có, là mai cũng phải tìm riêng cho mình một bộ. Mấy bà “hàng xén” biết, nên nhập cả kiện về, thế là Huế của truyền thống, thành Huế của cách tân. Huế của e ấp, thành Huế của lạ, của thương.

Những ngày cận tết, Huế nhường Cô Ba Sài Gòn mặc áo dài của Huế. Sài Gòn “mặc” Huế, Huế “mặc” Sài Gòn. Áo dài vẫn ở đấy, vẫn của quen, của lạ, của mới, của thương dẫu khác ít nhiều.

Bài, ảnh: HẠNH AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài & hành trình lan tỏa

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau một thời gian dài với rất nhiều các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống ở vùng đất kinh kỳ.

Áo dài  hành trình lan tỏa
Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024

Tối 4/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề "Hà Nội - Tinh hoa Áo Dài", nhằm tôn vinh và khai thác tà áo dài dân tộc như một sản phẩm du lịch độc đáo.

Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024
Đưa áo dài ngũ thân vào học đường

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công nhận “Tri thức may, mặc áo dài Huế” của tỉnh Thừa Thiên Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực thúc đẩy Hiệp hội May mặc Thừa Thiên Huế triển khai hoạt động đưa áo dài ngũ thân vào trường học.

Đưa áo dài ngũ thân vào học đường

TIN MỚI

Return to top