ClockChủ Nhật, 28/06/2020 13:45

Áo dài trên khắp phố phường

TTH - Tại Festival Huế 2020, Ngày hội Áo dài Huế là một trong những điểm nhấn được tổ chức theo hướng quảng diễn mang tính cộng đồng. Đây cũng là hoạt động nhằm phát huy vị thế của áo dài Huế, xây dựng thương hiệu áo dài Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc.

Chuẩn bị cho “Ngày hội Áo dài Huế”Sẽ có “Ngày hội Áo dài Huế” tại Festival Huế 2020

Duyên Huế

Từ sân khấu đến đời thường

Theo đề án tổ chức Ngày hội Áo dài Huế do Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng, ngày hội được tổ chức với các hoạt động chính: Tri ân tiền nhân, chương trình áo dài nghệ thuật và chương trình áo dài cộng đồng. Để tri ân các bậc tiền nhân đã có công hình thành và phát huy giá trị áo dài Việt Nam, chương trình sẽ tổ chức hành hương viếng lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát tại làng La Khê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà và lễ tế tại Triệu Tổ miếu vào ngày 9/7 (nhằm ngày 19/5 Âm lịch, ngày húy kỵ của chúa Nguyễn Phúc Khoát). Tất cả những người tham gia đều mặc trang phục áo dài truyền thống.

Trước thềm Festival Huế cũng diễn ra hội thảo áo dài Việt Nam với chủ đề “Chúa Nguyễn Phúc Khoát - Người khai sáng áo dài Việt Nam”. Ngoài ra, một không gian trưng bày trang phục áo dài truyền thống, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh về áo dài Việt Nam qua các thời kỳ cũng sẽ giới thiệu đến du khách gần xa giá trị, nét đẹp của áo dài.

Chương trình áo dài nghệ thuật dự kiến được tổ chức tại quảng trường Ngọ Môn vào tối 2/9 sẽ trình diễn các bộ sưu tập thời trang áo dài lấy ý tưởng từ những trang phục cung đình Huế, từ thiên nhiên, cảnh quan đẹp của Huế, kiểu dáng áo dài nữ sinh Huế... Các bộ sưu tập được thiết kế vừa mang tính cổ kính, trang trọng vừa trẻ trung, vui tươi, vừa giữ những nét truyền thống vừa phù hợp với xu hướng cảm thụ nghệ thuật hiện đại, duyên dáng đặc trưng của nữ sinh Huế.

Với chương trình áo dài cộng đồng, sẽ phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nữ và người dân tham gia Ngày hội Áo dài Huế thông qua việc mặc trang phục áo dài trong suốt thời gian diễn ra Festival Huế 2020. Ngày hội Áo dài Huế cũng sẽ có các chương trình cộng đồng: “Áo dài phụ nữ Huế” với sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức nữ các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, một số doanh nghiệp khách sạn, du lịch… trên địa bàn TP. Huế. Chương trình “Áo dài học đường” với các cuộc thi duyên dáng áo dài tại các trường trung học phổ thông, áo dài giáo viên, nữ sinh kết hợp với giới thiệu truyền thống của các trường đại học, cao đẳng, Quốc Học, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, Gia Hội… trên một số tuyến đường.

“Áo dài trong sinh hoạt đời thường” tái hiện hình ảnh áo dài trong sinh hoạt thường ngày, gồm áo dài thầy đồ, áo dài thầy thuốc, áo dài thương nhân, áo dài các o, các mệ đi chợ, gánh bánh bèo, bánh canh, cơm hến… kết hợp với giới thiệu ẩm thực Huế và đời sống sinh hoạt của người dân trong khu phố cổ.

“Áo dài trong lễ hội truyền thống” tái hiện, trình diễn lễ hội dân gian truyền thống với trang phục áo dài, kết hợp với giới thiệu văn hóa, làng nghề, ẩm thực Huế. “Áo dài trong lễ nghi gia tộc” tái hiện các lễ cưới, lễ hỏi, lễ cáo yết tổ đường, vinh quy bái tổ… trong trang phục áo dài kết hợp giới thiệu văn hóa truyền thống gia đình xứ Huế.

Ấn tượng

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Ngày hội Áo dài Huế nhằm tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát, vua Minh Mạng và các vị tiền nhân đã có công trong cải tổ triều phục, cải cách trang phục dân gian Đàng Trong, hình thành và phát huy giá trị áo dài Việt Nam. Đồng thời, phát huy vị thế của áo dài Huế, tổ chức các chương trình trình diễn nghệ thuật áo dài chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu áo dài Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc.

Ngày hội áo dài là tổng thể các hoạt động khác nhau để đưa hình ảnh Huế thực sự là kinh đô của áo dài. Các hoạt động trong ngày hội sẽ tạo nên ấn tượng khác biệt. Trong những ngày này, du khách đến Huế sẽ thấy tràn ngập màu sắc của áo dài, từ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, chị em tiểu thương đến giáo viên, học sinh… cùng chương trình biểu diễn chuyên nghiệp với các bộ sưu tập có chủ đề về hoàng cung xưa, áo dài quý tộc, áo dài nữ sinh Đồng Khánh.

TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh, điểm nhấn ấn tượng của ngày hội là các chương trình áo dài cộng đồng, nhằm phát huy vai trò, vị thế của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị áo dài Huế. Từ đó, việc mặc trang phục áo dài sẽ ăn sâu vào trong nếp nghĩ, khơi gợi niềm tự hào của người dân địa phương, chọn cho mình chiếc áo dài đẹp nhất mặc trong dịp này.

Các nhà thiết kế, cơ sở may đo áo dài rất hào hứng chuẩn bị cho Ngày hội Áo dài Huế. Nhà thiết kế Đoan Trang, Giám đốc DNTN Thêu may Đoan Trang chuẩn bị ra mắt showroom tại đường Bạch Đằng, giới thiệu các mẫu áo dài mới theo biểu tượng tứ linh của Festival năm nay. Ngoài ra, chị còn thiết kế bộ sưu tập gồm 12 mẫu theo họa tiết cung đình.

Nhà thiết kế Đoan Trang chia sẻ: “Mong muốn làm cho Huế đẹp hơn bằng những tà áo dài là điều chúng tôi mơ ước từ lâu. Tôi luôn mong, khi diễn ra ngày hội, tất cả mọi người đều mặc áo dài, cả nam lẫn nữ. Lúc đó, áo dài tràn ngập phố phường, người nào cũng có thể tự mình làm cho Huế đẹp hơn. Khách du lịch rất thích chiếc áo dài, chỉ cần cả thành phố thơ mộng này tràn ngập áo dài thì sẽ tạo ấn tượng đẹp trong mắt du khách”.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình áo dài từ đời thực lên sách

“Áo dài truyền thống – hành trình trở lại” (NXB Thế Giới) vừa được ra mắt tại Huế - vùng đất được mệnh danh là kinh đô của áo dài. Ấn phẩm được xem như là cẩm nang xuyên suốt về áo dài, với sự góp mặt của các tác giả từ chính khách, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nhà văn, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà báo…

Hành trình áo dài từ đời thực lên sách
Lan tỏa hình ảnh áo dài theo hướng xã hội hóa

Sau hơn 4 năm triển khai, đề án “Huế - Kinh đô áo dài” đã ít nhiều lan tỏa đến với công chúng thông qua rất nhiều các hoạt động, sự kiện hưởng ứng. Cùng với đó là những chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may đo, cũng như khuyến khích, ủng hộ người dân mặc áo dài vào những dịp, sự kiện quan trọng, hình ảnh áo dài đã trở thành nét đẹp quen thuộc.

Lan tỏa hình ảnh áo dài theo hướng xã hội hóa
Áo dài đứng chung sân khấu với hanbok và bao giờ được như hanbok?

Trong khuôn khổ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024, lần đầu tiên, áo dài Việt Nam đứng chung sân khấu với hanbok của Hàn Quốc trong một đêm trình diễn. Tuy vậy, áo dài và hanbok lại có hai số phận khác nhau, dù rằng đều là trang phục truyền thống của hai dân tộc.

Áo dài đứng chung sân khấu với hanbok và bao giờ được như hanbok
Áo dài trong đời sống Huế

Suốt dọc dài dải đất chữ S của đất nước Việt Nam, áo dài miền nào cũng có. Nhưng riêng với xứ Huế, tà áo dài đã là một phần của bản sắc văn hóa và vẻ đẹp riêng có của con người nơi đây. Một dấu mốc quan trọng của trang phục áo dài Huế là vào năm 1744, sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi ở Phú Xuân đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến việc sửa đổi y phục. Sang Triều Nguyễn, triều đình đã ban bố lệnh, tạo cơ hội cho phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung mặc áo dài thường xuyên. Theo đó, truyền thống mang áo dài dần đi vào nếp sống hằng ngày của người dân.

Áo dài trong đời sống Huế
Nghề truyền thống Huế se duyên cùng áo dài

Những tà áo dài được các nhà thiết kế sáng tạo dựa trên nền tảng các giá trị làng nghề truyền thống xứ Huế được trình diễn giữa sân khấu cộng đồng khiến người xem hào hứng, bất ngờ.

Nghề truyền thống Huế se duyên cùng áo dài

TIN MỚI

Return to top