ClockThứ Năm, 17/12/2015 14:32

Bảo tàng công lập khó mua cổ vật

TTH - Đến nay, nhiều người vẫn nhắc đến việc chiếc xe kéo tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái) hồi hương từ đất Pháp về Cố đô Huế là một câu chuyện đẹp. Cái đẹp toát lên từ sự cộng hưởng ý chí của chính quyền địa phương và nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm để có được sự trở về này. Nói vậy để thấy, đường để các bảo tàng công lập có được cổ vật thật không đơn giản. 

Xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh được trưng bày tại Cung Diên Thọ

 

Vuột mất nhiều cơ hội
TS. Trần Đức Anh Sơn (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng) từng chia sẻ trong một bài viết: Thời gian tôi làm việc ở Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế (nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), mỗi năm bảo tàng được cấp 50 triệu đồng để mua cổ vật bổ sung, nhưng ít khi tiêu hết vì số tiền đó quá ít để mua được những cổ vật xứng đáng, có giá trị mà bảo tàng đang thiếu. Ở Pháp, Đức, Áo, Bỉ... việc mua cổ vật ở các bảo tàng do các nhà chuyên môn của bảo tàng quyết định. Lãnh đạo bảo tàng chỉ chuẩn y và cấp kinh phí mua, không can thiệp việc giám định giá trị của cổ vật. Các chuyên gia sẽ bị mất uy tín chuyên môn (thậm chí mất việc) nếu mua phải cổ vật giả, phải chịu trách nhiệm hình sự nếu bị phát hiện thông đồng với người bán để mua cổ vật với giá cao nhằm hưởng tiền “boa”.
Để trao quyền thêm cho các bảo tàng công lập mua cổ vật, liệu Thừa Thiên Huế có thể mạnh dạn tạo ra một cơ chế cho riêng mình?
“Khó lắm, tiền đâu mà mua?!” là phản xạ đầu tiên của ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên Huế khi chúng tôi đặt vấn đề về cơ chế để các bảo tàng công lập mua cổ vật. Ông minh chứng bằng câu chuyện xưa: “Cách đây chưa quá lâu, khi bảo tàng có thông tin về những khẩu súng lệnh thời Tây Sơn đã làm ngay tờ trình để xin chủ trương của UBND tỉnh. Vậy nhưng, khi tờ trình được UBND tỉnh đồng ý, quay trở lại để tiếp tục thương lượng, làm các thủ tục khác thì hiện vật đã được người ta bán cho một đơn vị khác có sẵn nguồn tiền. “Với kinh phí hằng năm dành cho việc mua cổ vật chỉ khoảng 30-50 triệu đồng thì không thể giải quyết được việc gì trong vấn đề mua bán cổ vật cả. Cho đến nay, cơ chế mua cổ vật là một bài toán cực kỳ khó đối với hầu hết các bảo tàng công lập”, ông Hùng nói.
Thường, khi có thông tin về một cổ vật, đơn vị bảo tàng phải xác định cổ vật đó có thực sự cần thiết, phù hợp với nội dung trưng bày hay không, giá trị lịch sử và mỹ thuật như thế nào… thì mới đặt vấn đề thương thảo với chủ sở hữu. Chủ sở hữu đồng ý bán, bảo tàng mới xin chủ trương của cấp trên, tiếp đó là nhiều thủ tục theo quy trình khác, như: tổ chức hội đồng thẩm định, xin ý kiến phê duyệt, thủ tục tài chính cấp kinh phí, lập lý lịch cho hiện vật… rồi mới tiến hành mua bán trao đổi.
“Ngân sách hạn hẹp nên chúng tôi không thể có nguồn dự phòng cho quỹ “phản ứng nhanh” như một số bảo tàng khác để có thể mua ngay cổ vật sau khi được thẩm định. Việc mua cổ vật phải thực hiện theo đúng các trình tự thủ tục của Nhà nước nên bao giờ bảo tàng cũng chậm chân hơn những nhà sưu tầm cổ vật tư nhân, bị mất rất nhiều cơ hội để mua được cổ vật với giá trực tiếp từ người sở hữu, mà chỉ là qua các nhà sưu tầm mà thôi”, ông Hùng nói thêm.
Cũng chính vì việc mua bổ sung hiện vật quá khó như vậy nên để có những đổi mới trong hoạt động trưng bày, nhiều năm qua Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên Huế tự mở đường cho mình bằng cách đẩy mạnh việc vận động, thuyết phục chủ sở hữu các món cổ vật tham gia xã hội hóa, chia sẻ hiện vật trong những cuộc triển lãm. Bảo tàng cũng chú trọng việc vận động người hiến tặng cổ vật. Tuy nhiên, một khi đã là sự hiến tặng thì rõ ràng, thật khó để nhận được những cổ vật có giá trị cao về mặt lịch sử, mỹ thuật và vật chất.
Cần mạnh dạn tạo cơ chế
So với những đơn vị khác, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã có nhiều thuận lợi hơn trong một số trường hợp thương thảo mua cổ vật của triều Nguyễn. Có nhiều lý do để có được lợi thế đó, như: chính quyền tỉnh quan tâm đến công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và đơn vị tạo được những uy tín nhất định từ đó huy động được sự chung tay của nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm chia sẻ gánh nặng về kinh phí. Điển hình nhất là trung tâm đã tham gia và đấu giá thành công chiếc xe kéo tay vốn là món quà được vua Thành Thái đặt làm tặng mẹ, với giá trị lên đến 55.800 euro, vượt xa tầm quyết định của Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đánh dấu về lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công, đưa được cổ vật đã từng là của đất nước ta về lại quê hương mà cũng là minh chứng về lần đầu tiên lãnh đạo tỉnh đã mạnh dạn chi từ ngân sách số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, quyết tâm đem cổ vật này về Huế.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế thời gian qua, việc Trung tâm BTDTCĐ Huế có thể mua được một số cổ vật có giá trị là nhờ UBND tỉnh quan tâm và chủ động trong mọi quyết định, đồng thời kêu gọi thêm sự xã hội hóa, hoặc Ban Giám đốc Trung tâm linh hoạt thu xếp kinh phí để “đua cho kịp” với các nhà sưu tầm trong quá trình tranh mua cổ vật. Cơ chế xuất phát từ luật, nhưng nội dung này chưa được bổ sung vào Luật Di sản Văn hóa nên cơ chế vẫn chưa có gì mới. Vậy nên, việc mua được cổ vật hay không chỉ có thể được thực hiện trong khả năng vận dụng cụ thể của từng địa phương.
Đối với những cổ vật có thể được mua với mức giá nằm trong thẩm quyền Giám đốc Trung tâm quyết định thì đơn vị triệu tập hội đồng thẩm định theo quy định, đề xuất lên UBND tỉnh, được đồng ý là mua. Nhiều trường hợp, ngay sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, Trung tâm BTDTCĐ Huế phải điều chỉnh, cân đối giữa các khoản thu chi trong khả năng có thể để có sự chủ động về mặt kinh phí. Điều này tùy thuộc vào tính chủ động và sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

 

 

ĐỒNG VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Return to top