ClockThứ Năm, 31/10/2013 05:47

Biến đổi khí hậu

TTH - Hôm qua xem tivi thấy cảnh người dân Sài Gòn cuống cuồng chạy lũ cứ ngỡ như nằm mơ. Cái vùng đất phương Nam trời cho hiền hòa ấy cũng đến lúc cũng phải chứng kiến cảnh mưa dầm dề và cứ chiều xuống là con nước dâng lên ngập đường, ngập nhà. Trái lại, ở cái xứ Huế lụt mình thì mấy năm nay đã không phải thấy lụt nữa, hay là tại biến đổi khí hậu chi đó?

Mấy năm gần đây, cụm từ “biến đổi khí hậu” xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Cả thế giới lo biến đổi khí hậu nên cái làng nhỏ của mình cũng đang chịu biến đổi khí hậu thì phải.. . Hồi nhỏ, mình thích nhất cái lụt tiểu mãn, thích theo kiểu của trẻ con mà không hề hay biết nông dân phải méo mặt vì cái lụt này. Lụt tiểu mãn thường xảy ra vào giữa tháng 4 âm lịch. Trời đang nắng như đổ lửa ban ngày, tự nhiên nửa đêm sấm sét, chớp giật ở mô tìm về và sau đó là những trận mưa như trút nước suốt đêm kéo đến sáng mai. Ba mình thức dậy sớm: “Lại lụt tiểu mãn rồi, may mà mấy sào ruộng bên cồn đã gặt xong!”. Mình vùng dậy khỏi giường chạy xuống ngã ba xóm và nhìn ra đồng thấy nước đã lấp xấp đồng ruộng. Người từ các xóm tỏa ra các đồng ruộng vừa mới gặt xong chơm cá. Lũ cá đồng lâu nay núp nắng ở các ao sâu thấy nước mát đua nhau chạy từng đàn. Hồi nớ cá nhiều: diếc, rô, tràu, trê... và đặc biệt là loài cá Gáy to bằng tấm thớt phơi lưng rẽ sóng. Cá gáy lọt vô chơm nghe tiếng đóng rột rột đã tai và người chơm được phải dùng hết sức móc mang kéo ra khỏi miệng chơm đúng là đã tay. Có năm, bác Toàn hàng xóm mình thấy mưa tiểu mãn xuống đi soi cá ban đêm bằng ngọn đuốc dầu thấy cả bầy cá gáy ùn ùn kéo vô ruộng, chỉ việc bưng từng con một quăng lên bờ; đến khi mỏi tay cũng đến trên chục con. Lụt tiểu mãn thì vui vì cá về nhưng cũng không ít nhà phải gặt lúa xanh chạy lụt mà theo cách nói của cái loa hợp tác xã là “xanh nhà hơn già đồng”. Bữa ni người dân làng không sợ lúa ngập vì lụt tiểu mãn nữa vì đã có cái đê Ô Lâu che chắn. Nhưng mấy năm ni trời lại không có mưa làm lụt tiểu mãn, hay là tại biến đổi khí hậu chi đó?

Hôm qua, ngồi ở một cái quán nhỏ ven sông Hương, thằng bạn mình nhăn nhó vì nhà nó ở Sài Gòn đang phải đối đầu với lụt triều cường. Nói chuyện Sài Gòn lụt, Huế không lụt loanh quanh rồi cũng quay lại chuyện biến đổi khí hậu. “Như cái đình làng mình thời trước được xây giữa đồng, chỉ có một con đường đất dẫn vô cái cổng chính; bao bọc chung quanh là ruộng là ao nên đình làng là nơi mát mẻ nhất, kẻ xấu muốn vào đình cũng ngán chỗ sâu, chỗ cạn của ao của ruộng. Không hiểu vì sao đợt ni về làng thấy họ san bằng cả rồi xây nên một bức tường lù lù bao quanh đình. Không mô xa chính người dân nông thôn đang tự mình gây nên biến đổi khí hậu...”. Nghe chuyện của bạn tự nhiên mình lại nhớ cái mội cuối xóm nhà mình. Làng mình trước mặt là sông, sau lưng là biển và bên nhà là mội. Mội là một ao nước nhỏ có mạch nước ngầm từ chân độn cát phun lên, nước luôn đầy, trong xanh và mát lạ lùng. Có lần mình nghe “nhà Phong Điền học” Nguyễn Thế giải thích rằng: “mội là một trong những dấu tích của người Champa để lại dọc vùng đất ven biển của Thừa Thiên Huế; cũng có lý lắm!”. Như cái mội ở đầu xóm mình gọi là mội ong bởi vì nó được xây bởi những lớp đá tổ ong vững chãi và có cả những tảng đá tổ ong thật to đặt trên lòng mội để người dân giặc giũ... Cái mội ong của xóm mình to nhất làng và mình cũng chưa thấy cái mội nào to, nước lại trong xanh, tràn đầy và mát như mội ong. Mội có từ bao giờ, chẳng ai biết, kể cả những cụ già của làng. Mình lớn lên, mùa hè cứ ngày hai buổi trưa, chiều lên ngụp lặn ở cái mội này, vừa tắm vừa đùa giỡn với mấy đàn cá nhỏ còn chi bằng. Nước mội chỉ ngập ngang đầu gối nên cha mẹ chẳng ai cấm con cái đi tắm mội cả. Phải đến khi tốt nghiệp cấp 3 mình mới thôi tắm mội mỗi ngày. Bữa trước về làng, muốn tìm lên mội chơi để nhớ lại tuổi ấu thơ nhưng ôi thôi mội ong đã không còn. Con đường lên mội cũng đã bị phá đi. Cây cỏ thời gian và sự lơ đãng của con người đã lấp đầy dòng nước mát trong của tuổi thơ mình... Mà không chỉ có mội ong, nhiều ao hồ trong làng đều bị san bằng để làm nhà cửa. Những “lá phổi xanh” của làng đã bị lấy mất làm răng không “biến đổi khí hậu” cho được...
Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Return to top