Thiệt tình thì những chỉ số về bụi mịn, như PM2.5 và PM10, µg/m³ cùng những cảnh báo về các căn bệnh trên người đúng là đáng sợ. Những hệ lụy từ nó đến hô hấp, hen suyễn và ung thư, bệnh suy nhược thần kinh hay tự kỷ; tác động đến DNA và gây ra đột biến gen… không biết có làm những người sống trong các thành phố, hay những không gian bị ô nhiễm thấy chùng bước mà thay đổi hành vi và cách ứng xử với môi trường hay không. Chắc người ta cũng nghĩ ngợi, cũng phân tâm nhưng chắc cũng không ít người tặc lưỡi trôi qua.
Vùng bụi mịn đó, tôi đã từng được bạn lái xe cảnh báo khi nói về chúng trên đường từ Nội Bài vào thành phố. Hôm đó bạn ấy nói, Hà Nội nhiều khi như chìm trong một lớp sương mù. Cơ mà nó không hề đẹp đâu vì không phải là sương. Hôm đó bạn ấy đã nói về sự trong lành của thành phố nơi tôi vừa rời đi, và sự chấp nhận về nơi mà bạn đang sống. Không chỉ là quê nhà, đó còn là nơi bạn có công việc, có thu nhập thường xuyên để chăm lo cho gia đình. Tôi vẫn nhận ra trong giọng nói về sự đương nhiên, có không ít thắc thỏm.
Khi một mình trong căn phòng khách sạn, tôi đã đứng rất lâu bên cửa sổ và nhìn ra vòm lá xanh của cây xà cừ cổ thụ. Lúc đó đã gần chiều với một ít nắng vàng len lỏi. Nó mang đến cho tôi cảm giác chạm vào mùa thu ở một nơi xa vắng. Hà Nội, từ khi nào đó, đã trở thành nơi mang đến cho tôi quá nhiều xúc cảm. Đa phần là thương nhớ. Có lẽ vì những gì mà tôi chạm đến, cũng nhẹ và hiền như cách mà mùa thu gõ cửa.
Một sáng trong khoảng thời gian của chuyến đi, ở một tòa nhà cao tầng khác, tôi đã nhìn màn sương làm mờ những tòa nhà cao tầng khác, và không biết có phải là cách tự trấn an mình không, khi cứ một mực nghĩ, đó là sương sớm. Sương cũng làm mờ những ngả đường lấp ló ở phía dưới. Có lẽ còn quá sớm để không phải đối diện với quá nhiều tiếng còi xe ô tô, xe máy. Sớm đó là một Hà Nội chầm chậm. Một Hà Nội như những gì thuộc về thương nhớ của tôi.
Những điều đó chỉ thuộc về riêng tôi, một cách cất giấu. Phần vì những câu chuyện với bạn bè, đồng nghiệp đa phần đã được lấp lên bởi những gì thuộc về thế sự. Có lẽ, đó cũng là một không gian Hà Nội được nhìn nhận ở những khía cạnh khác. Đôi khi “nuông chiều” một chút với người đến từ Huế, các bạn của tôi đã hẹn nhau mạn Tây Hồ, hay một căn phòng được đặt sẵn trên phố Thụy Khuê, chỉ để tôi có thể với tay là gặp sương.
Chỉ là nơi để gặp gỡ, nên Hà Nội với tôi là một “bụi mịn” khác. Kiểu những điều chỉ nghĩ đến thôi đã thấy mình phải thở nhẹ và nhịp đập chừng như chững lại. Nơi mà những đóa hồng khe khẽ loang hương khi ngày vừa đến, hay vị cốm ngọt qua kẽ tay làm mình thương như nụ cười…
Khang Nhiên