ClockThứ Sáu, 31/12/2021 14:52

Cần một quỹ văn hóa Huế

TTH - 5 năm trước, một bằng hữu ở phương Nam có hảo ý giới thiệu để hồi hương bộ hồ sơ cải tạo cầu Trường Tiền năm 1936 của tập đoàn Eiffel. Ít năm trước, câu chuyện tương tự diễn ra với bộ tranh của các họa công Đại Nội vẽ đại lễ tế Nam Giao đầu thế kỷ XX ở sàn đấu giá Hồng Kông và gần đây là sự kiện chiếc mũ đại thần triều Nguyễn tại sàn đấu giá ở Tây Ban Nha...

Đạo hiếu trong văn hóa Huế

Dù ở trong hay ngoài nước, để những di sản văn hóa đó thuộc về sở hữu Nhà nước thì thủ tục hành chính hoàn toàn không dễ, dù trong cách tiếp cận, nó hoàn toàn không phải của riêng Huế mà liên quan trực tiếp tới không gian sống của di sản trong bối cảnh Kinh đô Huế thời Nguyễn nên từ đây cũng có thể hiểu đó là vấn đề chung của cả quốc gia dân tộc, nhất là liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Ở đây, nếu có một Quỹ Văn hóa Huế thì vấn đề sẽ được giải quyết hiệu quả, hợp lý hơn bởi tính chủ động, kịp thời và trách nhiệm cụ thể của Giám đốc, Ban điều hành quỹ cũng như Hội đồng tư vấn chuyên môn.

Đại lễ Nam Giao

Trong vai trò Kinh đô, Huế hội tụ và lan tỏa hệ giá trị tinh hoa của quốc gia Đại Nam suốt một thời kỳ dài. Tất cả được Huế lưu giữ rõ nét trong quần thể di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc, hiện hữu cụ thể trước mắt cũng như sâu lắng trong mọi ngõ ngách gia tộc, làng xóm, hay tận gia phong, phong tục tập quán, lễ giáo ứng xử, nếp nghĩ suy của con người. Từ Kinh đô trở thành Cố đô, Huế là tiểu vùng văn hóa còn lưu giữ đậm nét hệ giá trị di sản văn hóa tinh hoa chưa xa đó trong lịch sử thời Nguyễn.

Trong xu hướng tìm về cội nguồn của dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn liền giáo dục truyền thống và phát triển công nghiệp văn hóa, thì lịch sử - văn hóa là nguồn lực tối quan trọng, tài nguyên vô giá để Thừa Thiên Huế phát triển. Bước chuyển Kinh đô - Cố đô đó đã làm cho Huế hụt hẫng bởi không còn nguồn lực mạnh của một vùng đế đô, gây nên nhiều hệ lụy mà nếu không kịp thời xác định, tập trung nguồn lực đầu tư để bảo tồn và phát triển, sẽ càng thêm khó khăn.

Nghị quyết số 54 - NQ/TW (10/12/2019) của Bộ Chính trị và Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế được Quốc hội thông qua (13/11/2021) là hành lang pháp lý quan trọng để tỉnh hiện thực hóa thành đô thị trực thuộc Trung ương theo hướng xây dựng đô thị sinh thái và đô thị di sản đặc trưng, mang đậm cội nguồn văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Huế. Cố đô Huế mang trong mình những dòng chảy, sức sống truyền thống đặc trưng của một thuở vàng son, sang trọng, từ gia phong cho tới nếp nghĩ suy, ăn ở, ứng xử của mỗi một cá nhân, cộng đồng. Một khi Huế nghèo tiềm năng kinh tế, yếu nguồn lực thì xã hội hóa là phương thức tối ưu để huy động mọi nguồn lực xã hội nhằm bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Huế. Quỹ Văn hóa Huế, do vậy, cần được sớm đầu tư để vận hành đáp ứng mục tiêu cao cả, thiết thực đó.

Quỹ Văn hóa Huế ra đời nhằm ưu tiên đầu tư cho việc: Khảo sát, nghiên cứu, dịch thuật, giới thiệu quảng bá (tọa đàm, hội thảo, in ấn) di sản văn hóa Huế, đưa di sản truyền thống sống động trong cuộc sống hôm nay một cách trang trọng, sang trọng, đầy cẩn trọng; hỗ trợ khảo sát, trùng tu các di sản văn hóa bị xuống cấp (từng hạng mục hay toàn bộ công trình, nhất là các công trình chưa được công nhận); kịp thời hỗ trợ sáng tạo các di sản nhân văn sống (nghệ nhân, nghệ sĩ, người lưu giữ tri thức độc đáo của cộng đồng); kịp thời trao đổi, chuyển nhượng những tài liệu, cổ vật quý hiếm và đặc biệt là dữ liệu hóa di sản văn hóa Huế, làm nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách hữu hiệu.

Có nhiều mô hình tổ chức quỹ các dạng công, tư, hoặc hỗn hợp công - tư. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình hiện tại thì về tổ chức, Quỹ Văn hóa Huế phải do UBND tỉnh lập ra, trên nền tảng hạt nhân là một khoản kinh phí cố định ban đầu (và cả hàng năm nếu có thể) từ ngân sách địa phương, hoặc vận dụng từ các nguồn thu đặc biệt của tỉnh, đúng nghĩa theo quy chế đặc thù, được HĐND tỉnh phê chuẩn. Từ đó, một khi hoàn chỉnh quy chế điều hành - hoạt động của quỹ, thành lập Ban điều hành quỹ, có Giám đốc thì quỹ có thể chính thức kêu gọi, mời gọi các thành phần xã hội chung tay góp sức theo đúng phương thức xã hội hóa.

Hơn lúc nào hết, người yêu Huế ở Huế hay mọi nơi, hải ngoại, khát khao tụ hội những tấm lòng vàng trong Quỹ Văn hóa Huế để chung tay trân trọng di sản văn hóa, mang lại mạch nguồn hơi ấm thiêng liêng cho cuộc sống hôm nay. Bài học lịch sử từ đầu thế kỷ XX là rất thiết thực, với khát vọng cháy bỏng, trân trọng di sản của tiền nhân để kịp thời sưu tầm, khảo cứu, thổi hồn di sản truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại của Hội những người yêu Huế xưa - Hội Đô thành Hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hue - A.A.V.H). Đó không chỉ là hội đoàn học thuật mang đậm dấu ấn văn minh phương Tây được gieo trồng ở Kinh đô Huế mà còn cộng hưởng tinh thần giao thoa văn hóa Đông - Tây để kích thích, quy tụ những người Việt có thiện chí và khát vọng kiếm tìm, trân trọng những giá trị tinh hoa trong lịch sử văn hóa dân tộc, nhằm giáo dục nhân cách và phát triển xã hội. Vấn đề bản sắc văn hóa và bản lĩnh dân tộc luôn nổi bật trong bối cảnh xã hội buổi giao thời, như hồi đầu thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

Quỹ Văn hóa Huế ra đời trên cơ sở tụ hội, gắn kết những tấm lòng yêu Huế trong xã hội theo hướng xã hội hóa, trong vai trò trung tâm kết nối, điều phối của tỉnh. Điều đó càng có ý nghĩa thiết thực khi ngân sách Nhà nước ngày một khó khăn bởi tất cả đều hướng tới mục đích chung tay nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Ngoài chiến lược hoạt động, kế hoạch công tác của ngành văn hóa du lịch và các ban ngành hữu quan, được phê duyệt hàng năm hay 5 năm, 10 năm..., Quỹ Văn hóa Huế sẽ kịp thời chung tay, bổ trợ những hạng mục còn lại, những công việc và vấn đề nảy sinh đột xuất trong những hoàn cảnh cụ thể, cần kíp cho di sản văn hóa Huế...

Mong rằng, Huế sớm có Quỹ Văn hóa Huế để kịp thời tụ hội nguồn lực và đam mê, tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa của di sản văn hóa Huế, mang hơi thở của truyền thống đi cùng cuộc sống hiện đại.

Bài, ảnh: Trần Đình Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

TIN MỚI

Return to top